Đại biểu Quốc hội e ngại sẽ không đủ ngân sách cho lực lượng an ninh trật tự cơ sở

Tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 17-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Tham gia thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại sẽ bị 'phình' thêm biên chế nếu Luật thông qua.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang)

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang)

Mở đầu buổi tham luận, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, con số giảm 500.000 người nếu luật được thông qua là không thuyết phục. Theo đại biểu này, theo Pháp lệnh Công an xã thì hiện nay mới chỉ có 126.000 công an xã bán chuyên trách.

Theo Nghị định 38 năm 2006, bảo vệ dân phố chỉ có ở phường và thị trấn, với số lượng thực tế là 70.000 người. Còn theo Luật Phòng cháy, chữa cháy, do không chịu được chi phí vào ngân sách cho nên mới chỉ có 23% cơ sở thành lập lực lượng này và con số thực tế là 500.000 người.

Như vậy, thực tế 3 lực lượng này hiện nay là 696.000 người. Còn 500.000 dân phòng theo khoản 2 Điều 46 Luật Phòng cháy, chữa cháy chỉ được hưởng khi thực sự làm việc hoặc khi được bồi dưỡng nghiệp vụ. Vì vậy, nếu thông qua luật này thì số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hằng tháng của địa phương là 804.000 người chứ không phải giảm đi 500.000 người. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cũng e ngại với các điều khoản của dự thảo luật, số lượng nhân sự này sẽ do ngân sách địa phương bố trí chi trả, kể cả trụ sở, phụ cấp và bảo hiểm, thì ngân sách địa phương sẽ không còn để bố trí cho việc an sinh xã hội.

“Bộ trưởng có ý kiến gì về việc 804.000 người tăng thêm, trong đó có 500.000 người hiện nay đang hưởng phụ cấp vụ việc mà chuyển vào hưởng hằng tháng, Bộ trưởng có ý kiến gì?

Tôi xin nhờ Bộ trưởng Bộ Tài chính ước tính xem chi phí trụ sở và chi phí cho lực lượng này hoạt động sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong ngân sách hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã…” Đại biểu Nguyễn Mai Bộ chất vấn.

Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang)

Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang)

Cũng e ngại về độ “phình” về nhân sự, đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng, bây giờ lực lượng công an quá đông, một tỉnh ít nhất cũng phải từ 3.000 đến 3.500 người, thậm chí có những tỉnh lớn là 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Với số lượng như vậy, đại biểu Sùng Thìn Cò băn khoăn, không lẽ lực lượng chính quy này không có đủ khả năng để nắm và xử lý tình hình.

Theo ông, cái tài của người chiến sĩ công an là xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật để giúp nắm tình hình, nắm từ trong trứng nước không để phát sinh, bùng nổ. Đông nhưng không mạnh thì sẽ tốn kém.

Ông cho rằng, nếu xác định lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là một một lực lượng rất quan trọng như thế thì tại sao chúng ta không xây dựng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở, mà chúng ta phải đưa lực lượng công an chính quy xuống?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, Luật Công an xã vừa có hiệu lực, đến bây giờ lại đề nghị xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lại đưa lực lượng công an xã bán chuyên trách làm cánh tay nối dài của công an xã chính quy.

“Phải chăng công an xã chính quy, nếu không có công an xã bán chuyên trách thì không thể phát huy được hiệu lực, hiệu quả?”, Bà nói.

Cho rằng hệ thống pháp luật ở cơ sở đối với hệ thống chính trị ở cơ sở hiện cơ bản đã khá đồng bộ, bà Trần Thị Quốc Khánh cho biết, chúng ta đã có Luật Công an, Luật Công an xã, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Cựu chiến binh, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hòa giải ở cơ sở, v.v. trong đó, vấn đề bảo đảm trật tự an toàn ở cơ sở không phải chỉ do ngành công an mà còn có cả một hệ thống chính trị, với sự tham gia của tất cả các lực lượng, tầng lớp cán bộ, nhân dân.

Từ đó bà đề nghị Thường vụ Quốc hội cho lấy ý kiến, không nên đồng ý với việc xây dựng luật này, bởi vì sẽ chồng chéo với các luật hiện nay và vai trò của hòa giải ở cơ sở sẽ bị quên lãng đi.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-e-ngai-se-khong-du-ngan-sach-cho-luc-luong-an-ninh-trat-tu-co-so-217732.html