Đại biểu Quốc hội: Giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần được quản lý thống nhất

Chiều 8-9, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám chữa bệnh

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) nêu rõ, dự thảo luật đang quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

Theo đại biểu, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng thì thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm.

Theo đại biểu, Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; đồng thời quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa, cũng như cơ sở y tế tư nhân để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa khu vực công và tư.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu thực trạng, khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc...

Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang.

"Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công và tư, cũng như bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội", đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nói.

Cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Cũng cho ý kiến về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, đây là vấn đề phức tạp của ngành y tế, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Điều 106 của dự thảo luật quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nếu chỉ quy định “tính đủ” thì sẽ không bảo đảm được việc tính đúng nên đề nghị cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn cũng như tính hiệu quả khi luật được ban hành và áp dụng trong thực tế...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Ngoài ra, tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, không chỉ giúp xử lý những vấn đề bức xúc trước mắt mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiên tiến. Do đó, các đại biểu đề nghị xem xét, thông qua dự thảo luật theo quy trình 3 kỳ họp để nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, bảo đảm những vấn đề đưa ra phải thật sự “chín”.

Mặt khác, dự án luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích thấu đáo để khi được ban hành luật sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh.

Giải trình thêm về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: Nếu tại điểm này mà chúng ta đưa ra được các định hướng về giá kết hợp với Luật Giá sẽ tạo nên hành lang pháp lý hết sức phù hợp.

Bộ Y tế sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, bảo đảm lộ trình tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, cân đối, bảo đảm chi phí.

 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thừa nhận, cũng có nhiều áp lực đối với các bệnh viện trong việc tự chủ của mình. Vấn đề này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có các chỉ đạo và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm luật sau khi ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại hạn chế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc tốt nhất sức khỏe của người dân.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-gia-dich-vu-kham-chua-benh-can-duoc-quan-ly-thong-nhat-704895