Đại biểu Quốc hội hiến kế chặn đấu giá 'ảo'

Việc phân nhóm số có giá trị tiềm năng cao và áp dụng giá khởi điểm khác vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm người tham gia đấu giá 'ảo' do tiền cọc chỉ khoảng 262.000 đồng.

Chiều 25-10, trình bày báo cáo về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐB, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 dịch vụ.

“Cụ thể là không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam. Việc quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 3 dịch vụ tập trung vào bảo đảm chất lượng dịch vụ, quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống. Dự thảo cũng đã quy định rõ hình thức quản lý là đăng ký, thông báo”, ông Lê Quang Huy nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo đã chỉnh lý nội dung về quỹ viễn thông công ích, bảo đảm mục đích sử dụng quỹ không chồng lấn nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.

Cho rằng dự thảo Luật Viễn thông đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ, song ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) nhấn mạnh, trong thực tiễn, người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi, nhưng các quy định bảo vệ người sử dụng trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng. ĐB đề nghị bổ sung Điều 4 của dự thảo luật việc phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực viễn thông để có thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tốt hơn.

ĐB Trần Kim Yến (TPHCM)

ĐB Trần Kim Yến (TPHCM)

Liên quan doanh nghiệp viễn thông, ĐB Trần Kim Yến lưu ý, đầu tư lĩnh vực này cần nguồn kinh phí lớn, vì vậy thời hạn giấy phép hoạt động cần được nghiên cứu hợp lý để doanh nghiệp yên tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, tương thích thời gian sử dụng của thiết bị.

Bày tỏ quan tâm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình nội dung tại Điểm c Khoản 4 Điều 50 dự thảo luật về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất (được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người tính trong một ngày theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê).

“Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao hơn nhiều so với giá khởi điểm như quy định chung này, có thể lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng”, ĐB nhận định và đề nghị phân nhóm số có giá trị tiềm năng cao và áp dụng giá khởi điểm khác. Như vậy, vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người tham gia đấu giá “ảo” (trúng đấu giá mà bỏ cọc, không lấy), chịu mất cọc, vì tiền cọc chỉ tương đương 262.000 đồng.

Việc phân nhóm có thể giao Bộ TT-TT quy định cụ thể. Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-chan-dau-gia-ao-post711315.html