Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng góp ý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Ngày 21/5/2020, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng. Ảnh: P.T

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng. Ảnh: P.T

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc sửa đổi một số nội dung luật lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để góp phần hoàn thiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngoài ý kiến chung của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã gửi cơ quan soạn thảo tổng hợp, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thêm nội dung sau:

Tại khoản 2, Điều 17 “Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam”, dự thảo đưa ra 7 nhóm đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, về cơ bản là đầy đủ. Tuy nhiên, có một đối tượng cần bổ sung nữa là: “Các pháp nhân thương mại vi phạm theo quyết định của tòa án” để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 33, Điều 80).

Tại điểm đ “Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;” đề nghị sửa đổi, bổ sung cụm từ “Người chưa thành niên” thành “Người chưa đủ 15 tuổi”. Bởi vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi”. Như vậy, người đủ 15 tuổi là người đủ tuổi lao động tối thiểu theo luật định nên có thể được thành lập và quản lý một số doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế “khởi nghiệp sáng tạo” hiện nay trong giới trẻ và thực tế nhiều người còn rất trẻ mới 15-18 tuổi đã có thể lập thân, khởi nghiệp, họ làm chủ và quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp thành đạt, thể hiện năng lực quản trị doanh nghiệp của mình. Nếu luật quy định “cứng” là người chưa thành niên thuộc đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp thì sẽ loại bỏ một lực lượng trẻ đầy sáng tạo, khát vọng cống hiến, thể hiện, trải nghiệm vươn lên là rất đáng tiếc. Mặt khác, sẽ tạo ra kẻ hở lách luật, rủi ro pháp lý như là: Người chưa thành niên làm chủ kinh doanh như doanh nghiệp nhưng không thành lập doanh nghiệp hoặc nhờ người khác đã thành niên đứng tên người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp mà mình làm chủ.

Trong trường hợp nếu còn e ngại vướng mắc một số quy định ở luật khác như về trách nhiệm pháp lý về dân sự, hình sự… của công dân khi chưa đủ 18 tuổi, thì cần quy định một số điều kiện bắt buộc chứ nhất định không vì thế mà “cấm”, loại bỏ lớp người chưa thành niên đầy khát khao và năng động này quyền được thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, việc sửa đổi một số nội dung luật lần này sẽ làm cho luật được chặt chẽ, rõ ràng, tránh những hệ lụy khi áp dụng luật vào thực tiễn sẽ có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến lợi dụng, lạm dụng, lách luật để làm trái quy định của pháp luật. Đại biểu Hoàng Đức Thắng góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp gồm những nội dung sau:

Một là, nhất định cần bổ sung một khoản (khoản 8) vào Điều 6; về các hành vi bị nghiêm cấm là: “Không từ chối thực hiện việc giám định khi không phù hợp về chuyên môn, không có đủ năng lực, điều kiện thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của luật này”. Bởi vì, việc từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định mang tính bắt buộc và phù hợp với nguyên tắc hết sức cơ bản là: Không làm những việc không đúng chuyên môn, hoặc không có chuyên môn, không có điều kiện. Trong hoạt động tố tụng, giám định tư pháp là việc làm rất quan trọng; kết luận giám định là thể hiện giá trị khoa học và giá trị pháp lý, là cơ sở quan trọng để giải quyết vụ án. Ngược lại, nếu nó bị lợi dụng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ việc, gây ra hậu quả pháp lý vô cùng to lớn.

Hai là, tại khoản 10, sửa đổi, bổ sung Điều 20: Lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Có hai vấn đề cần xem xét:

Thứ nhất, dự thảo quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu”. Quy định như vậy là thiếu chặt chẽ, bởi vì vấn đề đặt ra ở đây là căn cứ tiêu chí nào để người trưng cầu nhận diện “cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện” để trưng cầu? Việc công nhận cá nhân, tổ chức để xác nhận tư cách pháp nhân, pháp lý cho họ khi thực hiện giám định tư pháp là việc làm cẩn trọng, phải được thực hiện đầy đủ các bước quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý vững chắc chứ nhất thiết không thể giản đơn là giao cho người trưng cầu giám định tùy nghi xem xét lựa chọn để thực hiện việc giám định tư pháp. Có thể nói, quy định như vậy là hết sức nguy hiểm, tạo ra sơ hở pháp lý cho hành vi lợi dụng, lạm dụng vi phạm pháp luật về giám định tư pháp; vì thế nhất định cần phải được loại bỏ.

Thứ hai, dự thảo quy định: “Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố”. Trong trường hợp này, tại sao không quy định rằng: Phải thực hiện bằng một quyết định công nhận cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giám định, mà chỉ dừng lại ở trách nhiệm giới thiệu, không đầy đủ tính pháp lý và tính chịu trách nhiệm của tổ chức giới thiệu?

Mặt khác, việc công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức, cá nhân giám định tư pháp đã được pháp luật quy định theo một quy trình, yêu cầu rất chặt chẽ; do vậy, không thể chỉ với hình thức giới thiệu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp một cách quá dễ dãi, tùy tiện như dự thảo được. Điều này sẽ xung đột nội dung ngay chính trong một số điều của luật này và các luật khác có liên quan; vì vậy cần được xem xét thấu đáo. Vì vậy, đề nghị thay việc giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố bằng một quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu cho đảm bảo tính pháp lý, chính danh, ngôn thuận.

Từ những vấn đề trên đây, đề nghị chỉnh sửa lại như sau:

“Trong trường hợp cần trưng cầu đối với những lĩnh vực không có người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thì người trưng cầu giám định đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, quyết định công nhận bổ sung người giám định tư pháp theo vụ việc ngoài danh sách đã được công bố để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu”.

Ba là, đề nghị bổ sung thêm ở Điều 32; Kết luận giám định tư pháp; nội dung: “Kết luận giám định do người vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp lập ra không được làm căn cứ để giải quyết vụ án và phải bị hủy bỏ”.

Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với khoản 4, Điều 100 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định “4. Kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”.

PT

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148580