Đại biểu Quốc hội: 'Học sinh có phải đi học thêm nữa không?'

Sắp tới, cả nước thực hiện chương trình phổ thông mới. Một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi học sinh có phải đi học thêm nữa hay không.

Sáng 21/7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn, dẫn đầu, đã làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh.

Các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, việc giảm tải cho học sinh được đại biểu đặc biệt quan tâm.

 Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Văn Hiếu, Lê Duy Tân, Lê Quang Vinh, Sở GD&ĐT TP.HCM, báo cáo các vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Minh Nhật.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Văn Hiếu, Lê Duy Tân, Lê Quang Vinh, Sở GD&ĐT TP.HCM, báo cáo các vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Minh Nhật.

Không đủ trường lớp để dạy 2 buổi/ngày

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đầu tháng 5 vừa qua, tất cả trường tiểu học đã hoàn tất việc chọn SGK mới.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cả 5 bộ SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các trường tiểu học trên địa bàn thành phố lựa chọn. Trong đó, bộ “Chân trời sáng tạo” do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, được chọn nhiều nhất.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định việc lựa chọn SGK đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Sắp tới, trong 4 ngày từ 29/7 đến 1/8, giáo viên các trường tiểu học sẽ được tập huấn về SGK.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục thành phố khi triển khai chương trình mới là vấn đề cơ sở vật chất.

Toàn thành phố hiện đảm bảo tỷ lệ 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), nhưng không đồng đều ở các quận, huyện.

Khi thực hiện chương trình mới, 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tại một số quận, huyện như Bình Tân, quận 12, Tân Phú, con số này chưa đến 50%, do áp lực gia tăng dân số cơ học.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay sở đã đề xuất các cơ quan chức năng đề nghị nhà đầu tư, khi xây dựng chung cư, phải đi kèm trường học. Tương tự, các công ty, nhà máy có số lượng công nhân lớn cũng phải có trường học gần kề.

"Mỗi chung cư xây lên là kéo theo hàng trăm, nghìn hộ dân nhưng lại không có trường học. Các nhà máy, xí nghiệp cũng là nơi tập trung lao động nhập cư. Nếu không hỗ trợ thành phố xây trường học, sau này bỏ hộ khẩu, vấn đề trường lớp sẽ rất nguy", ông Vinh nói.

Có giảm được học thêm, dạy thêm không?

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đánh giá Nghị quyết 88 và 51 có ý nghĩa tốt cho việc dạy và học. Hai nghị quyết đều hướng đến phát triển năng lực, kỹ năng toàn diện cho học sinh.

Trong báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM có nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhưng theo bà Thuận, báo cáo này vắng bóng học sinh - đối tượng tiếp nhận, thụ hưởng chính sách đổi mới.

 Bà Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đặt nhiều câu hỏi về việc triển khai chương trình phổ thông mới. Ảnh: Minh Nhật.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đặt nhiều câu hỏi về việc triển khai chương trình phổ thông mới. Ảnh: Minh Nhật.

Theo bà Thuận, một trong những nội dung trọng tâm của việc đổi mới chương trình dạy học là tăng cường các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa để học sinh giảm áp lực phải học nhiều, mang vác sách vở nhiều.

Đặc biệt, giảm tình trạng các em đi học ở trường rồi mà vẫn phải chạy đi học thêm.

“Khi ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình này, có giảm được áp lực cho các em hay không? Ví dụ, giờ học sinh đã học 2 buổi/ngày, như vậy ngoài học trên trường, học sinh có phải đi học thêm ở các cơ sở đào tạo khác không?”, bà Thuận đặt câu hỏi.

Bà đưa ra ví dụ từ chính trường hợp của con mình. Con bà Thuận học cả ngày ở trường. Sau giờ học, cháu phải đi học thêm.

Kết thúc giờ học thêm, con bà ăn uống qua loa, rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học đến 12h khuya. Dù vậy, khi lên lớp, cháu vẫn bị cô giáo nói chưa làm được bài, chưa nắm được bài ở một số môn.

Từ đó, bà đặt câu hỏi thời gian giáo viên và học sinh dành cho trên lớp như thế nào và yêu cầu Sở GD&ĐT TP.HCM phải có đánh giá.

Ngoài ra, bà Thuận băn khoăn khi thực hiện chương trình mới, có giảm hay tích hợp môn học không. Những vấn đề "nóng" như dạy kỹ năng sống, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục được triển khai như thế nào?

Khi ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình này, có giảm được áp lực cho các em hay không? Ví dụ, giờ học sinh học 2 buổi/ngày. Ngoài học trên trường, học sinh có phải học thêm ở các cơ sở đào tạo khác không?

Bà Phan Thị Bình Thuận

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: “Ngành giáo dục luôn chỉ đạo giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm đối với trường công lập nhưng được quyền tham gia ở các trung tâm. Phụ huynh, nếu có nhu cầu cho con em mình học thêm, hãy đưa đi học, còn không có nhu cầu thì không nên".

Trưởng phòng Giáo dục Trung học chia sẻ nếu cho con đi học thêm, phụ huynh nên xem xét đăng ký ở trung tâm có đăng ký kinh doanh (loại hình này kinh doanh không điều kiện), giáo viên đủ chuẩn, tham gia dạy thêm đúng quy định và cơ sở có đóng thuế đầy đủ.

Ngành giáo dục kiên quyết với tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định nhưng nếu có nhu cầu mà có cơ sở nào đáp ứng đầy đủ quy định, phụ huynh cứ lựa chọn.

Ông Tân mong mỏi học trò sẽ trưởng thành, nếu biết tự học tốt, không dựa dẫm thụ động vào kiến thức của thầy cô.

Nói thêm về những thắc mắc của bà Bình Thuận, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin với chương trình giáo dục phổ thông mới, số môn học so với chương trình cũ không có nhiều thay đổi.

Một số môn như Thủ công, Kỹ thuật được tích hợp vào Tin học Công nghệ. Các môn học khác vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, chương trình mới có thêm tiết hoạt động trải nghiệm, giống như giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt chủ nhiệm của chương trình trước đây.

Với từng môn học, số tiết có tăng giảm theo quy định. Nhưng nhìn chung, chương trình mới sẽ tập trung nhiều đến việc phát triển các kỹ năng, phẩm chất, năng lực của học sinh.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hoc-sinh-co-phai-di-hoc-them-nua-khong-post1109531.html