Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Hải Phòng là 1 trong 10 tỉnh, thành phố triển khai Đề án 404 'Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020'. Sau năm 2020, Hải Phòng là đơn vị duy nhất của cả nước tiếp tục triển khai Đề án 404 gắn với Đề án 'Phát triển giáo dục mầm non' (gọi tắt là Đề án 1677).
Năm học 2023-2024, TP Hải Phòng có 100 cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục được tham gia Đề án 404, tăng 30% so với giai đoạn 1; nuôi dạy hơn 4.000 trẻ, trong đó có hơn 1.600 trẻ là con công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở mầm non độc lập tư thục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố rà soát, tư vấn chuyên môn về tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở tham gia Đề án. Các nhóm trẻ tham gia Đề án được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, trung bình gần 600 triệu đồng/năm; trẻ em học tại các cơ sở giáo dục này được hỗ trợ học phí, hỗ trợ hàng tháng theo Nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng.
Tại Hội thảo đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi tại các KCN, KCX có nhiều lao động nữ, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho rằng: "Một số địa phương cũng ban hành một số chính sách hỗ trợ mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng... Tuy nhiên thì thực sự là chưa có một tỉnh, thành phố nào làm được như Hải Phòng. Hội thảo là hoạt động đầu tiên khởi đầu cho một chuỗi hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhằm mục đích nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển mầm non và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non dưới 36 tháng tuổi".
Phòng Giáo dục – Đào tạo các địa phương và đại diện các nhóm trẻ độc lập tại Hải Phòng cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm trong thực hiện Đề án 404, như: phân công đội ngũ giáo viên ở các trường mầm non công lập có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các lớp, nhóm trẻ độc lập; đổi mới chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi; xây dựng các mô hình giám sát đối với giáo dục mầm non độc lập tư thục dựa vào cộng đồng, như: “Tổ giám sát nhóm trẻ độc lập tư thục”, “Câu lạc bộ chủ nhóm trẻ”, “Nhóm cha mẹ làm bạn cùng con”...
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, thành phố Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp và dự kiến sẽ thành lập Khu kinh tế phía Nam thành phố, với nhiều khu công nghiệp mới, thu hút đông đảo lao động. Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách quan tâm chăm lo con em công nhân, nhằm thu hút công nhân, lao động về làm việc tại Hải Phòng.
"Chúng ta cần phải quan tâm bồi dưỡng cho người giữ trẻ rồi người nuôi dưỡng trẻ; bây giờ ngay cả cô giáo mầm non ở trường công lập cũng còn không tuyển được. Nếu như không bồi dưỡng các cô giáo này, những người nuôi giữ trẻ này thì chỉ giải quyết câu chuyện trông giữ cho các cháu. Thứ hai, nâng cao hơn cơ sở vật chất hiện nay thành phố thì cho 50 triệu/cơ sở; các doanh nghiệp có nhiều lao động gửi con con ở đây thì cũng phải chăm lo quan tâm đến các cơ sở này; có thể chúng ta xã hội hóa được"- ông Kiên nói.