Đại biểu Quốc hội không phải là 'bất khả xâm phạm'
Bà Châu Thị Thu Nga, Đại biểu Quốc hội khóa XIII vừa bị khởi tố bị can và bắt tạm giam.Trước đó, có 2 đại biểu Quốc hội đã bị khởi tố.
Như Báo Đầu tư Điện tử - Baodautu.vn đã thông tin, tối ngày 7/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga, trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư nhà đất (Housing Group) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Nga là Đại biểu Quốc hội thứ 3 bị khởi tố điều tra. Trước đó, ông Mạc Kim Tôn (Đại biểu Quốc hội khóa XI, tỉnh Thái Bình), Lê Minh Hoàng (Đại biểu Quốc hội khóa XI, TP.HCM) cũng đã bị khởi tố điều tra.
Bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Chương VI, Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2003. Tuy nhiên, Luật tố tụng Hình sự lại chưa có điều luật nào quy định việc bắt người là đại biểu dân cử như Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân....
Việc khởi tố, bắt giam những “đối tượng đặc biệt” này được quy định trong một số văn bản pháp luật của Nhà nước, văn bản của Đảng và Bộ Công an, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Công văn số 318/CV-BNV(V11) ngày 29/3/1992 của Bộ Nội vụ về việc xin ý kiến trước khi bắt, giam, giữ một số đối tượng đặc biệt; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16/3/2000 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 05-HD/NCTW ngày 15/01/2001 của Ban Nội chính Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xử lý tội phạm theo tinh thần chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16/3/2000 của Bộ Chính trị về việc bắt giữ các đối tượng đặc biệt.
Đại biểu Quốc hội vẫn có thể bị bắt giữ, khởi tố theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội.
Cụ thể, Điều 81, Hiến pháp 2013 quy định: "Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".
Còn Điều 58, Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định: "Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định.
Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.
Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý".
Luật sư Phạm Thanh Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư Nam Hà Nội cho biết, theo các quy định của pháp luật Việt Nam, việc khởi tố, bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga trong thời gian Quốc hội không họp sẽ phải được sự phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam phải được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.
Điều 56, Luật Tổ chức Quốc hội quy định:
Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Hữu Tuấn
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-phai-la-bat-kha-xam-pham-d879.html