Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy nhanh tự chủ vaccine ngừa Covid-19
Nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine trong phòng, chống dịch Covid-19, các đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước, đồng thời xúc tiến mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để chủ động nguồn cung, tiến tới tự chủ vaccine cho người dân.
Sáng 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Chủ động nguồn cung vaccine cho người dân
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu chống dịch; tuy nhiên bà cho rằng, công tác chỉ đạo giai đoạn đầu đợt dịch thứ tư có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo xử lý tình huống đột xuất.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó khăn, phức tạp, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như nghiên cứu, dự báo xu hướng dịch Covid-19; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19.
Đánh giá chiến dịch “ngoại giao vaccine” trong thời gian qua rất hiệu quả, đại biểu Linh nhấn mạnh, cần thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để bảo đảm nguồn cung trong nước, tiến tới tự chủ vaccine để cung cấp cho người dân.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu thực tế rằng, trong khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang phải đi vận động vaccine để đưa về nước, vấn đề phát triển vaccine nội địa, trong đó có vaccine Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
“Chúng ta rất cần có vaccine made-in-Vietnam như nhiều đại biểu trăn trở. Tôi mong muốn Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển vaccine nội địa của chúng ta”, đại biểu nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine, phát triển vaccine trong nước để chủ động nguồn cung cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh).
Khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 - một đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
“Lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư hai lần có lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch, tạo nên sức mạnh đoàn kết đại dân tộc, toàn dân tộc. Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện. Và cũng lần đầu tiên quân đội có cuộc điều quân lớn nhất chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay”, đại biểu Hoa nhấn mạnh.
Đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt, lắng nghe trên tinh thần vì lợi ích của người dân, và sự quyết liệt, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị, nữ đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero Covid-19”, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định thích ứng an toàn và lâu dài với Covid-19.
Về nhiệm vụ trước mắt, đại biểu Hoa cho rằng, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm. Cụ thể, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; giảm tỷ lệ người mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19; bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe tinh thần của người dân, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), thực tế cho thấy chống dịch và phát triển kinh tế là 2 mặt trận song hành. Việc phục hồi mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch. Ngược lại nếu không có nền tảng kinh tế thì sẽ không cơ nguồn lực để chiến đấu với dịch bệnh.
Đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với nguyên tắc thông suốt, đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong hoàn cảnh đặc biệt, cần chú trọng công tác dự báo không để bị động, bất ngờ; chủ động trong phòng, chống dịch chứ không đuổi theo dịch.
Đại biểu An có chung quan điểm phải khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, trên cơ sở đánh giá, tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Trong chiến lược này, vẫn phải coi vấn đề vaccine là trụ cột. Theo đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, nhất là ở những địa phương đang bùng dịch mạnh.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm cho phòng, chống dịch, và kiên quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật các trường hợp sai phạm.