Đại biểu Quốc hội kiến nghị đồng bộ chính sách, quy hoạch cho năng lượng tái tạo
Theo một số đại biểu Quốc hội, thời gian qua, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn 1 số vấn đề cần làm rõ.
Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị và chuyển dịch năng lượng. Theo đại biểu, đây là những vấn đề quan trọng, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển quốc gia, cần thiết được đưa vào Nghị quyết Kỳ họp.
Theo đại biểu, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trên thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và đang được triển khai hiệu quả ở nhiều nước.
Cùng với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, trong đó có nội dung về chuyển dịch năng lượng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Đình Thi có 4 thách thức lớn đối với việc triển khai, bao gồm tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Ước tính, Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050.
“Chỉ riêng đối với việc triển khai Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD. Như vậy, nguồn lực đầu tư rất lớn so với khả năng cân đối của nền kinh tế với mức dự báo phát triển kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới”, đại biểu nêu.
Do đó, đại biểu đoàn TP Hà Nội kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh và các tổ chức tài chính quốc tế, cơ chế tài chính quốc tế JETP trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH Bắc Giang cho rằng, chuyển đổi để phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng, thế nhưng theo đại biểu, việc triển khai thực tế đòi hỏi đồng bộ cơ chế chính sách, đặc biệt là quy hoạch.
“Quy hoạch phải đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với chiến lược. Ví dụ như tỷ lệ tham gia phát triển năng lượng, điện tái tạo, mức độ nào phù hợp với từng giai đoạn, trình độ công nghệ và khả năng kỹ thuật”, đại biểu Trần Văn Lâm cho hay.
Đại biểu cho rằng năng lượng tái tạo không có tính ổn định, đi kèm với năng lượng tái tạo thì phải có hệ thống phát nền, phải được đảm bảo những lúc năng lượng tái tạo không phát được thì phải có nguồn bù vào được. Vì vậy, đại biểu kiến nghị phải xây dựng chính sách làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên, để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng có động lực để để duy trì và nhà đầu tư nền cũng được khuyến khích.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nếu không tính toán tốt để năng lượng tái tạo phát triển quá bùng nổ, gây nguy cơ rã lưới hay mất điện đột ngột trong trường hợp điều kiện thời tiết thay đổi. Việc giải bài toán này đã là một thách thức nhưng trong quá trình triển khai để thực thi đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, công tâm và trách nhiệm.
“Vừa rồi chúng ta để cho năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, bất chấp các quy định, các quy trình dẫn đến việc không đáp ứng được hệ thống mạng truyền tải điện không phù hợp và không thực hiện được các điều kiện để cam kết đấu nối và sử dụng. Hiện trạng là lãng phí xã hội đang xảy ra, khi các công trình xây dựng xong thì đang không được nối lưới điện quốc gia thì vẫn thiếu”, đại biểu Trần Văn Lâm chỉ rõ.