Đại biểu Quốc hội kỳ vọng những giải pháp cho nông sản sẽ chuyển biến tích cực trong thực tế
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, về giải pháp cho nông sản, phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Tại chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, chiều 7/6 và sáng 8/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Quan tâm đến nhóm vấn đề này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nêu rõ, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cả các loại hàng hóa càng tăng phi mã. Đại biểu Chu Hồng Thái cho rằng, đây rõ ràng là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp, đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ các giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này? Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn).
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp liên quan… Bộ trưởng cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…
Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp không thể chỉ dùng biện pháp truyền thông, chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn sáng 8//6.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản. Như vậy, trung bình một tháng gần 100 thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản của Việt Nam đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh đầy sự thay đổi và thay đổi rất nhanh chóng. Chỉ có như vậy thương hiệu nông sản mới đảm bảo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thương hiệu khác nhãn hiệu. Thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, mà để có được niềm tin của người tiêu dùng mới khó. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu hệ sinh thái của ngành hàng, ví dụ ngành hàng thanh long của Long An, Bình Thuận. Phải xây dựng từ thương hiệu của doanh nghiệp, từ thương hiệu của hợp tác xã, của người nông dân… phải mất 10 năm, 15 năm mới hình thành một thương hiệu. Do đó, cần thay đổi tư duy cho thương hiệu nông sản, bắt đầu bằng hệ sinh thái ngành hàng, chứ không phải bắt đầu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
Kỳ vọng sẽ có chuyển biến trong thực tế
Bên lề phiên họp, đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) cho rằng: Những vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng đều phản ánh đúng, trúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH Tây Ninh).
Theo đại biểu, trước thềm Kỳ họp thứ 3, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với cử tri là nông dân, bởi trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Nông dân quan tâm đến vấn đề nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như vật tư nông nghiệp, phân bón tăng rất cao, thậm chí tăng hơn 50%, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp nhưng không có lãi. Trong khi đó, thị trường đầu ra cho nông sản cũng không thuận lợi. Thực tế, có nơi, nông dân còn đối mặt với tình trạng hạn hán, thiên tai. Chính vì vậy, nông dân rất mong muốn có những chính sách hỗ trợ kịp thời để phục hồi sản xuất.
Đại biểu đánh giá, qua phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhận diện được những vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp; đưa ra định hướng, như tái cơ cấu ngành hàng, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất. Đây đều là những chủ trương đúng đắn, lâu dài, mang tính chiến lược, nhằm giúp ngành nông nghiệp thoát khỏi những khó khăn này.
“Tôi kỳ vọng Bộ trưởng sẽ có những hành động cụ thể, nhìn rõ chuyển biến trên thực tế, thay đổi qua từng năm như thế nào. Đó không phải là mong muốn của các đại biểu Quốc hội, mà là mong muốn của cử tri cả nước, đặc biệt với cử tri là nông dân”, nữ đại biểu Quốc hội nói.