Đại biểu Quốc hội làm thế nào để dân mến, dân thương?
'Khi đóng góp, phát biểu ý kiến phải đặt vị trí của mình ở vị trí của người dân để xem những chính sách, điều luật sẽ tác động ra sao, mang lại điều gì cho người dân. Đó là phương châm hành động của đại biểu Quốc hội'.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hôm nay (20/7) khai mạc có rất nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với cả nhiệm kỳ. Đó là những đòi hỏi, yêu cầu mới, với những nhiệm vụ cao hơn cho mục tiêu phát triển đất nước không chỉ 5 năm, 10 năm mà còn hướng tới năm 2045 đưa Việt Nam thành nước phát triển thu nhập cao.
Thước đo hiệu quả hoạt động của Quốc hội chính là niềm tin của cử tri và nhân dân. Hành trang mà mỗi đại biểu Quốc hội mang theo cũng chính là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi gắm. Điều đó đòi hỏi hoạt động của Quốc hội không ngừng đổi mới, mỗi đại biểu Quốc hội không ngừng rèn luyện, trau dồi để thực hiện trọn vẹn trọng trách của mình.
Trong kiến nghị cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân theo phương châm “tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ”.
Là người mới trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Nàng Xô Vi, đại biểu Quốc hội của tỉnh Kon Tum còn là người dân tộc Brâu đầu tiên trúng cử vị trí này, bày tỏ, là đại biểu của dân, chị tự nhủ với mình cần lấy trọng trách này làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động.
“Tôi cũng mong muốn sẽ đi sâu sát với nhân dân, đến các vùng sâu, vùng xa để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng và phản ánh kịp thời những khúc mắc, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội. Đồng thời phải có trách nhiệm với những vấn đề mà họ gửi gắm. Tôi cũng sẽ cùng với các đại biểu trong đoàn của mình sẽ xem xét, lựa chọn những vấn đề ưu tiên, cấp bách, những vấn đề nào địa phương không giải quyết được để đưa lên Quốc hội” - nữ đại biểu chia sẻ.
Để có thể hoàn thành hiệu quả những vấn đề đặt ra, đại biểu Nàng Xô Vi luôn tự nhắc mình phải giữ kỷ luật trong công việc, không ngừng học tập để hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Còn với đại biểu Hoàng Văn Cường, 1 trong 4 đại biểu tự ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bày tỏ, có quan điểm cho rằng, đại biểu phải tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ. Tuy nhiên, không chỉ mến, thương, trọng mà dân còn trông đợi nhiều điều ở đại biểu - người đại diện của mình, cụ thể ở đây là để “dân nhờ”
“Dân được nhờ” không có nghĩa là người dân phải nhờ vả, cậy cục, xin xỏ gì đại biểu Quốc hội mà thực chất ở đây có nghĩa mọi hoạt động, mọi tiếng nói, mọi ý kiến, mọi đóng góp của đại biểu Quốc hội phải hướng đến mục tiêu vì dân, vì nước, góp phần giải quyết những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của người dân, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Muốn vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các đại biểu Quốc hội phải luôn luôn nắm được nguyện vọng, ý kiến của người dân, đồng thời phải có bản lĩnh, có tri thức, năng lực để truyền tải ý kiến của người dân đó thành những chính sách, thành luật pháp; khi đóng góp, phát biểu ý kiến phải đặt vị trí của mình ở vị trí của người dân để xem những chính sách, điều luật sẽ tác động ra sao, mang lại điều gì cho người dân. Đó là phương châm hành động của các đại biểu Quốc hội.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, đại biểu Nàng Xô Vi cho biết chị đã sẵn sàng hành trang cho mình. Hành trang lớn nhất của chị chính là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, và những đại biểu như chị sẽ là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, đưa những tâm tư, nguyện vọng đó lên nghị trường Quốc hội, sau đó chuyển lại cho cử tri câu trả lời xác đáng nhất.
Cùng suy nghĩ với đại biểu Nàng Xô Vi, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hành trang lớn nhất, sức mạnh lớn nhất của mỗi đại biểu khi đến nghị trường đó là những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Vì thế ở kỳ họp lần này với 2 nhiệm vụ rất quan trọng: bầu, phê chuẩn bộ máy Quốc hội, bộ máy Chính phủ để vận hành đất nước và hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho cả một nhiệm kỳ. Trọng tâm mà các đại biểu cần chuẩn bị là phải có được thông tin đầy đủ về nhân sự, về hoạt động của các ngành, lĩnh vực sẽ phải thảo luận, trao đổi để chọn được người thực sự xứng đáng, tin cậy, đủ đức đủ tài để Quốc hội phê chuẩn trong bộ máy của Quốc hội cũng như Chính phủ.
Để đóng góp vào được các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, các đại biểu cũng phải có được thông tin, kiến thức để đưa các ý kiến của mình vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn và chính đó là những yếu tố quyết định cho cả một chặng đường dài của Quốc hội trong thời gian tới./.