Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: 'Chắc chắn vẫn còn các vụ 'nâng đỡ không trong sáng' khác mà chưa bị khui ra'

'Chắc chắn vẫn còn các vụ việc 'nâng đỡ không trong sáng' khác nữa đâu đó mà chưa bị khui ra. Vẫn bộc lộ đây đó vi phạm trong bổ nhiệm 'không trong sáng' người nhà, người thân, cánh hẩu...', ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc.

Trước những vụ việc "bê bối" về bổ nhiệm cán bộ chưa đúng tiêu chuẩn diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, công tác cán bộ nói chung và việc thi tuyển, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức viên chức nói riêng thì chúng ta đã có những văn bản của Đảng, Nhà nước và cụ thể nhất là Luật Cán bộ Công chức. Thế nhưng việc quy định một cách chặt chẽ trình tự thủ tục để mà tiến hành tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển cán bộ thì có những khâu còn nhiều kẽ hở. Chính vì thế, kẽ hở đó đã tạo cơ hội cho những kẻ không đủ tiêu chuẩn lọt lưới vào bộ máy, rồi người có thẩm quyền lợi dụng để hợp thức hóa đưa người thân, người nhà... của mình vào bộ máy.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, đối với các chức vụ do thi tuyển, thứ nhất là phải quy định cho thật minh bạch, thật cụ thể việc thi tuyển. Các chức vụ như trưởng các các cơ quan của hệ thống điều hành thì yêu cầu phải thật tinh thông về luật pháp thì mới sử dụng để vận hành bộ máy được. Và để công bằng thì phải thi tuyển. Thi tuyển xong thì người thẩm định, xác minh hồ sơ, đề xuất rồi tiến cử chịu trách nhiệm một phần, còn người bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nhân sự do mình bổ nhiệm. Trường hợp xảy ra lạm dụng, nếu lỗi đó chỉ là vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, xử lý hành chính thì có xử lý kỷ luật (buộc thôi việc, cách chức, giáng cấp..). Ngoài ra, nếu nặng hơn thì xử lý bằng hình sự, và phải xử thật nghiêm để đủ sức răn đe.

ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Đối với các chức vụ do bầu cử, thì nhân sự phải có chương trình kế hoạch hành động. Khi được bầu xong thì chương trình đó được coi như bản cam kết để "anh" thực hiện theo lộ trình.

Ví dụ, nếu một vị bộ trưởng có chương trình hành động thuyết phục trong nhiệm kỳ 5 năm. Theo lộ trình, hàng năm vị bộ trưởng đó phải thực hiện xong các công việc theo kế hoạch hành động, và các đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ căn cứ vào đó để đánh giá. Nếu trong năm thứ nhất, vị bộ trưởng đó không hoàn thành công việc đúng theo cam kết thì sẽ phải lựa chọn phương án từ chức. Trường hợp không từ chức, Quốc hội có thể bãi chức của vị bộ trưởng đó nếu Quốc hội thấy bị bộ trưởng đó không làm được việc.

Đơn cử về vụ việc nhân sự ở Đắk Lắk sử dụng bằng giả của chị gái để được bổ nhiệm, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, trường hợp này quy trình chưa hẳn đã sai, mà cái sai là do sự lạm dụng của những người có thẩm quyền.

"Việc này cũng không khác gì đưa hàng giả vào chuỗi lưu thông mà hàng giả ở đây là nhân sự giả, không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ. Do chúng ta đang quy định tiêu chuẩn cán bộ bằng định tính, đó là bằng cấp. Vì thế, để hợp thức hóa tiêu chuẩn định tính đó người ta sẽ đi mua bằng, mượn bằng... và ở đây là mượn bằng của chị gái.

Nếu chúng ta tổ chức thi tuyển minh bạch thì bằng đấy có thể là bằng thật nhưng người thì chưa chắc đã thật, vì có thể mua điểm trong quá trình học, trong đầu không có kiến thức, có kiến thức không tiêu hóa được...", ĐBQH Lê Thanh Vân phân tích.

Ông lý giải thêm, trường hợp ở Đắk Lắk là có sự lạm dụng để hợp thức hóa tiêu chuẩn bằng cấp. Chính vì thế mà để xảy ra "lọt lưới" từ khi mượn bằng thì chứng tỏ cơ quan xác minh thẩm tra của cơ quan tổ chức đã không xác minh đến đầu đến cuối. Đây là trách nhiệm của bộ phận tham mưu. Đáng nói là đến người quyết định cũng tin vào cơ quan tham mưu cán bộ mà bổ nhiệm nhân sự đó. Đây là một giả định.

Giả định thứ hai, đó là người có chức quyền chỉ đạo các cơ quan dưới quyền của mình bỏ qua chuyện man trá về bằng cấp và lợi dụng quy định về tiêu chuẩn bằng cấp để bổ nhiệm cán bộ. Vì thế, cần xem xét hành vi của từng người có liên quan để xác định rõ xem bắt đầu tư đâu. Còn về nhân sự được bổ nhiệm, đương nhiên là họ đã cố ý làm trái.

ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh: Vậy ai tiếp tay cho họ? Ai hợp thức hóa cho họ? Cần làm rõ trách nhiệm của từng người. Và qua câu chuyện này, trách nhiệm của người bổ nhiệm mới là đáng kể, là người chính danh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần phải xử lý nghiêm.

"Quy trình của chúng ta về cơ bản là tốt. Có những kẻ hở nhưng không đáng kể. Điều quan trọng là kẻ lạm dụng quyền lực thì có muôn phương ngàn kế để dối trá, luồn lách các quy định từ đó hợp thức hóa theo ý muốn của mình. Ví dụ, pháp luật trao cho cấp tỉnh được ban hành tiêu chí tuyển chọn cán bộ. Một vị bí thư tỉnh ủy chỉ có bằng tại chức nhưng yêu cầu là bằng chính quy. Thì vị bí thư này sai cơ quan tổ chức trình thường vụ tỉnh ủy sửa lại quy định đó với lý do nguồn cán bộ không đủ nên chấp nhận bổ nhiệm cán bộ ở tiêu chuẩn bằng tại chức. Sau khi bổ nhiệm xong con cháu, vị bí thư này lại yêu cầu sửa lại văn bản như cũ. Đấy là lạm dụng, nhưng lại hợp lý, là hợp thức hóa quy trình. Đây là một thực tiễn mà các văn bản của cơ quan Trung ương khi ban hành phải lượng định đến để ngăn chặn. Chính sách phải nhất quán chứ không phải trao cho quyền để "anh" tùy nghi sửa đổi", ĐB Lê Thanh Vân lấy ví dụ minh chứng thêm.

Ngoài ra, ĐB Lê Thanh Vân còn chỉ ra sự dối trá thứ hai, đó là có trường hợp các lãnh đạo cho người thuộc phe cánh của mình ngồi kèm chặt trong hội nghị để giám sát những người bên cạnh, buộc họ phải bỏ phiếu theo ý muốn của mình. Cái này không có bằng chứng, chỉ là cách làm và là "khẩu thiệt vô bằng" (không có bằng chứng)... nên rất khó xác định.

"Tôi đi thực tế và đã trải nghiệm cái này. Nó quá đau đớn về thực trạng cán bộ như vậy", ĐB này chua chát.

Vì thế, theo ĐBQH Lê Thanh Vân, vấn đề đặt ra không chỉ là rào chắn lại quy trình mà còn phải có chế tài xử lý thật nghiêm đối với những kẻ chủ mưu, kẻ đồng phạm trong những vụ "nâng đỡ không trong sáng". Ví dụ, hiện nay người ta đang đổ lỗi cho tập thể nhưng thực chất là bàn tay của người đứng đầu. Nhưng khi tập thể thông qua lại rất khó truy cứu.

Chia sẻ với Điện tử Tổ Quốc, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh thêm, chắc chắn vẫn còn các vụ việc "nâng đỡ không trong sáng" khác nữa đâu đó mà chưa bị phát hiện.

"Vẫn bộc lộ đây đó vi phạm trong bổ nhiệm không trong sáng người nhà, người thân, cánh hẩu...Cái này có câu chuyện "trên nóng dưới lạnh", ông nói.

Cũng theo vị đại biểu này, gần như các vụ đại án liên quan đến vi phạm kinh tế, vi phạm sử dụng quyền lực đều bắt đầu từ Trung ương, còn địa phương tự mình phát hiện ra và tự mình xử lý nghiêm khắc chưa nhiều. Chính vì thế mà công cuộc chống tham nhũng, chống lạm dụng quyền lực phải trở thành phong trào rộng khắp. Muốn làm được điều đó thì phải phát huy được vai trò rộng rãi của nhân dân, của các phương tiện truyền thông và đẩy mạnh hoạt động của cơ quan kiểm tra, cơ quan thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng vào cuộc.

"Trên thực tế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã từng đề nghị thực hiện rà soát về nhân sự nhưng đến nay tôi chưa thấy có cơ quan có thẩm quyền nào triển khai. Rõ ràng là thực trạng đang đặt ra yêu cầu là phải tổng rà soát về bổ nhiệm cán bộ từ trên xuống dưới. Một mặt, để làm việc này thì toàn bộ các cơ quan cùng cấp phải làm chứ Trung ương không đủ sức để làm cả hệ thống. Cho nên phải có cách làm cho phù hợp", ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-chac-chan-van-con-cac-vu-nang-do-khong-trong-sang-khac-ma-chua-bi-khui-ra-20191025121931984.htm