Đại biểu Quốc hội lo ngại trước hàng loạt vụ giết người vì tình, vì ghen tuông
ĐBQH lo ngại loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân.
Sáng nay (8/11), Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, năm 2022, nước ta trải qua đại dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, từ đó tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống dịch, nhất là công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực.
Theo đó, đã kéo giảm số phạm tội về trật tự xã hội, tội phạm có tổ chức như trộm cướp tài sản, đánh bạc, hiếp dâm… Tỷ lệ điều tra phá án vượt chỉ tiêu kế hoạch các vụ án rất nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và điều tra làm rõ. Những kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan công an là rất đáng trân trọng, mang lại nhiều niềm tin của người dân đối với ngành, đặc biệt là công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, hối lộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực giảm là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động rất tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Tai nạn giao thông có giảm về số vụ nhưng số người chết, bị thương tăng rất cao, cá biệt xảy ra các vụ cháy, nổ, số người chết tăng đáng kể. Tội phạm buôn lậu xuất nhập khẩu xăng dầu diễn biến rất phức tạp ở các tuyến biên giới….
Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ.
Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp Nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong việc tham gia phòng chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) lo ngại về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không chuyển phát nhanh từ một số nước Châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần…
Thời gian qua, trên thế giới Việt Nam xuất hiện hai dạng ma túy núp bóng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, điện tử, thảo mộc. Đại biểu nêu một số ví dụ về các vụ ngộ độc do sử dụng các loại ma túy như tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tạiTP.HCM; bên cạnh đó, nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc…
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định, ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua bán. Về nội dung này, đại biểu cho rằng cần được thể hiện trong báo cáo, cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp, có giải pháp quyết liệt, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đại biểu cho rằng, về nội dung này cần được Chính phủ đánh giá trong báo cáo để từ đó có giải pháp trong đấu tranh các vi phạm pháp luật. Ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống thu nhập của người dân làm nghề rừng. Đây là giải pháp căn bản để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Còn theo đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum), tội phạm ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép xuất hiện, công tác quản lý người nghiện còn bất cập, hạn chế.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng buôn người qua biên giới, gây nên nhiều vụ việc xôn xao dư luận thời gian qua. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng, thực hiện hiệu quả chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, để thực hiện hiệu quả hơn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu./.