Đại biểu Quốc hội lo ngại về nguy cơ sân sau, lợi ích nhóm tại các dự án PPP
Lo ngại về nguy cơ sân sau, lợi ích nhóm tại các dự án được đầu tư theo hình thức PPP, đại biểu Quốc hội đề nghị cần công khai, minh bạch; trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội
Không nên góp vốn bằng “đất vàng”
Sáng 19/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Lo ngại về nguy cơ sân sau, lợi ích nhóm tại các dự án được đầu tư theo hình thức PPP, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh việc công khai, minh bạch; trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để đảm bảo được điều này thì phải minh bạch ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, Nhà nước không nên góp vốn trong dự án PPP bằng "đất vàng" mà nên đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Bởi thực tế thời gian qua, việc góp vốn bằng đất, Nhà nước nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt. Và nếu Nhà nước góp vốn bằng tài sản khác thì cũng phải tính giá trị theo cơ chế thị trường.
Nêu thực trạng nhiều dự án BOT được thực hiện theo hình thức PPP hiện nay đang phải dừng hoạt động thu phí vì bị các tài xế phản ứng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, điều này đã phá vỡ phương án tài chính, khiến phát sinh thêm tiền lãi rất lớn, sau này người dân sẽ phải trả qua tiền phí.
Cũng theo ông Hoàng Quang Hàm, việc thanh toán bằng quỹ đất bất hợp lý, nhà đầu tư thu lợi quá lớn gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại cho nhà nước… Từ đó, ông Hàm cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cần xuất phát từ bản chất của dự án PPP trong thực tiễn của Việt Nam; yêu cầu quy định nhà đầu tư thu lợi phù hợp với số tiền, tài sản Nhà nước bỏ ra hoặc tiền phí người dân nộp.
Kiểm toán toàn bộ dự án PPP để giám sát hiệu quả hơn
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn với quy định trong dự thảo luật khi dự thảo Luật quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, tài sản trong dự án PPP hình thành từ các dự án là tài sản công thì phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định. Nếu quy định như dự thảo Luật thì rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Bởi nếu Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước; còn giá trị xây lắp, phương án tài chính, thu phí… thì không được kiểm toán sẽ dẫn đến sơ hở, dễ xảy ra tiêu cực, thất thoát.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, trong dự án PPP, Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Trong đó, chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì không thể xác định được thời gian thu phí, mức thu phí.
Theo đại biểu, thực tế thời gian vừa qua, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Do đó, ông Hoàng Quốc Thưởng đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ và lý giải cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động nếu quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách nhà nước hỗ trợ thì sẽ làm dự án PPP không thu hút được nhà đầu tư hay không?
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng cho rằng, việc để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP sẽ giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát hiệu quả hơn và không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư.