Đại biểu Quốc hội: Ngành Du lịch không thể tự phát triển
Tại phiên thảo luận sáng ngày 31/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã nêu nhiều trăn trở với những khó khăn, tồn tại mà ngành Du lịch đang phải đối diện,
Đánh giá cao sự phát triển của mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành Du Lịch vào kinh tế - xã hội thời gian qua, tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, trong báo cáo Chính phủ không nêu cụ thể % đóng góp của Du lịch vào GDP và sự phát triển chung của kinh tế mà chỉ đưa số liệu tăng trưởng lượng khách quốc tế.
“Do vậy có ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa đánh giá đúng sự đóng góp của Du lịch, chú trọng vào sự phát triển của số lượng khách mà chưa quan tâm tới chất lượng cũng như sự đóng góp của du lịch đối với tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế xã hội” - ông Hưng nói và phân tích thêm. Do đó định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như xây dựng chính sách phát triển du lịch vẫn tập trung nhiều vào việc tăng lượng khách đến, hướng tới những con số ấn tượng, dễ rơi vào bệnh thành tích.
Cần phải biểu dương sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, nhưng kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước, và nguồn lực dồi dào trong dân. Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân vào sự phát triển của ngành du lịch rất lớn. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu cao, đồng thời là thách thức lớn với ngành Du lịch. Để đạt được những mục tiêu đó, cần thẳng thắn, mạnh dạn hơn, phản biện nhằm chỉ ra những nguyên nhân, trở ngại lớn đối với ngành Du lịch nước nhà.
Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của một số Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa coi Du Lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập Quốc tế cao. Du lịch cần phát triển theo đúng bản chất của ngành kinh tế vận hành theo những quy luật kinh tế thị trường. Và đã là ngành kinh tế phải được chỉ đạo, điều hành theo tư duy, phương pháp của khoa học kinh tế.
Nguyên nhân tiếp theo là hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế. Du lịch chưa được đặt đúng vào vị trí cần có và tương xứng với vai trò khách quan của một ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn thấp, thiếu vai trò nhạc trưởng điều phối chung.
Sản phẩm Du lịch thiếu đa dạng phong phú. Ngành Du lịch hiện chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên vốn sẵn có trong cộng đồng; thiếu những sản phẩm nổi trội, chất lượng có khả năng cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Ngay lợi thế 3.200 km bờ biển chúng ta cũng chưa khai thác hết, hiệu quả. “Chúng ta cần phải tiến ra biển với các loại hình du lịch biển phong phú cả trên bầu trời, mặt nước, dưới biển. Cần phát triển mạnh các điểm du lịch biển như: Cồn Cỏ; Lý Sơn; Nam Du… phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển” – ông Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển nhân lực ngành Du lịch, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo ngành chưa được quan tâm đúng mức. Du lịch là một nghề và cán bộ làm du lịch cũng đòi hỏi có nghề, chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm.
Du lịch là một ngành kinh tế sáng tạo, sức mạnh của Du lịch nằm ở địa phương và DN. Và khi đã xác Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là động lực phát triển các ngành khác thì phải đặt Du lịch ở vị trí xứng đáng, trung tâm; và có sự đầu tư tương xứng cả về nhân lực lẫn DN.
Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho ngành Du lịch, cho địa phương, cho DN; không nên nghĩ rằng dư địa cho ngành Du lịch rất lớn, không cần đầu tư thi Du lịch vẫn phát triển.
Nếu Chính phủ không có những cơ chế, chính sách đột phá mới, không tập trung nguồn lực để tạo điều kiện tối đa cho Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương không chung tay chung sức, nếu ngành Du lịch không có quyết tâm cao gấp 2 - 3 lần hiện nay thì mục tiêu để Du lịch đóng góp trên 10% cho GDP, tạo ra 4 triệu việc làm và cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn sẽ khó thực hiện được vào năm 2020.
Biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 30/10 của Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn TP Hà Nội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến những vấn đề về văn hóa và giáo dục. Thực tế, biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Đại biểu Dương Minh Ánh nêu một nội dung mà cử tri đang hết sức quan tâm, đó là việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. “Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi bằng phương thức thi trắc nghiệm đối với môn toán khiến cử tri chưa yên tâm. Phương thức thi này cũng là một nguyên nhân gây ra hàng loạt sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Vấn đề khác là nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguồn ngân sách dành cho dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chỉ khoảng 76 tỷ đồng/năm; và kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình di tích cấp quốc gia là 58 tỷ/năm; bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng/công trình.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nganh-du-lich-khong-the-tu-phat-trien-356299.html