Đại biểu Quốc hội: 'Nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài'

Dẫn chứng Trung Quốc đang có chiến dịch mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn, ĐBQH Lê Thu Hà cho rằng Việt Nam nên tham khảo vì nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) là nội dung được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tổ sáng 23/10. Cơ chế kiểm duyệt và việc quản lý phim trên không gian mạng là những vấn đề chính được các đại biểu quan tâm.

Đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đề xuất thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim mang tính đột phá. Nêu bất cập khi phim ra rạp nhất thiết phải qua Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia, bà Hà băn khoăn: “Việc này liệu có mang tính độc quyền không khi chỉ có Hội đồng xem xét, quyết định phân loại phim và cho phim được phát hành?”.

Bà cho rằng nên xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị cùng có thẩm quyền quyết định cấp phép một bộ phim.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà. Ảnh: Hồng Phong.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà. Ảnh: Hồng Phong.

Nữ đại biểu cũng nhắc đến vai trò của các diễn viên điện ảnh. Dẫn chứng Trung Quốc đang có chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn, đại biểu Hà cho rằng Việt Nam nên tham khảo, bởi người hoạt động nghệ thuật cần phải giữ gìn hình ảnh của mình.

“Nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài”, bà Hà nhấn mạnh và đề xuất quy định trong luật về dừng chiếu hoặc rút phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị…

Về việc thẩm định phim, nữ đại biểu đánh giá đây là khâu rất quan trọng để loại bỏ những tác phẩm không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế cũng gây ra nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực và thiếu minh bạch với các nhà làm phim.

Dẫn chứng bộ phim “Vị” đã bị cấm chiếu dù giành nhiều giải thưởng uy tín tại các Liên hoan phim quốc tế hay có những tác phẩm đã bị treo do không chấp nhận yêu cầu thay đổi tác phẩm, bà Hà cho rằng việc này khiến những nhà đầu tư và nhà sản xuất đứng sau có thể gặp khó khăn, thậm chí phá sản.

"Né tránh tiêu cực có phản ánh chân thực cuộc sống không?"

Đây là vấn đề được Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt ra khi thảo luận. Cho biết dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nghiêm cấm xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân và nhân phẩm, danh dự cá nhân nhưng theo bà Mai, tác phẩm điện ảnh thường miêu tả các hiện thực của cơ quan, đơn vị theo hướng giả định để cuốn hút người xem.

“Nếu không miêu tả hiện thực, né tránh các tiêu cực như vậy thì tác phẩm điện ảnh có còn phản ánh được chân thực đời sống hay không?”, bà Mai đặt vấn đề.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai. Ảnh: Quốc hội.

Góp ý việc quản lý phim trên không gian mạng, bà cho rằng cần cân nhắc quy định hậu kiểm. Thực tế, nhiều phim bạo lực, có chất lượng không tốt hoặc có nhiều nội dung xuyên tạc, nếu chỉ quy định hậu kiểm và gỡ bỏ thì chưa ổn bởi các phim này vẫn có thời gian tồn tại khá lâu với hàng triệu người xem.

Dù vậy, nữ đại biểu lo ngại nếu tiền kiểm lại tạo áp lực cho cơ quan chức năng vì số lượng phim quá lớn. “Thời gian qua, có những sai sót của cơ quan thẩm định trong việc duyệt cấp phép phổ biến, có hình ảnh không phù hợp như phim ‘Người tuyết bé nhỏ’, để lọt hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Vì vậy, việc tiền kiểm rất quan trọng”, bà Mai nói.

Nữ đại biểu góp ý cần giải pháp thích hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm với phim phổ biến trên mạng, tránh lọt phim không phù hợp trên mạng.

Nêu ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về vai trò của điện ảnh trong sự phát triển đất nước.

Ông dẫn chứng nhiều nước nhờ nền công nghiệp điện ảnh phát triển mà quảng bá được hình ảnh đất nước, con người. Đơn cử, Hàn Quốc cách đây 20 năm đã có những bộ phim như Giày Thủy Tinh, Nàng Dae Jang Geum…

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ sáng 23/10. Ảnh: Hồng Phong.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ sáng 23/10. Ảnh: Hồng Phong.

Từ đó, người đứng đầu Nhà nước cho rằng làm điện ảnh phải đi đôi với giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.

Về chính sách, ông khuyến khích xã hội hóa để mọi tổ chức, cá nhân được làm phim nhưng Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.

"Để tạo điều kiện phát triển điện ảnh nước nhà, phải tạo ra hành lang pháp lý, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) thì cho rằng muốn điện ảnh phát triển phải có lối đi riêng, nên cần cởi mở để "tạo đất sáng tạo". Việc có hội đồng thẩm định là cần thiết, nhưng với số lượng phim ngày càng nhiều, ông Nghĩa đánh giá rất khó thẩm định hết và thuyết phục.

"Nếu sự đa dạng trong sáng tạo chỉ được xem xét bằng cảm tính của các thành viên hội đồng thì thuyết phục rất khó. Vì thế, cần xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản, khi nhà làm phim nhìn vào tiêu chí ấy để xác định ranh giới", ông Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho biết sau khi nghiên cứu, ông đánh giá dự thảo luật "vẫn chưa tạo động lực và chưa khai mở cho phát triển điện ảnh". Theo ông, phải có tầm nhìn điện ảnh, hoạch định tốt thì điện ảnh Việt Nam mới cất cánh được.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nghe-si-can-duc-truoc-khi-can-tai-post1272660.html