Đại biểu Quốc hội nhìn thẳng, nói thật về giáo dục - đào tạo
Hoan nghênh những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn ĐBQH Đồng Tháp:
Đầu tư cho giáo dục không thể mỗi nơi một kiểu
Về ngân sách đầu tư cho giáo dục, đây không phải là vấn đề mới, thậm chí còn rất cũ, nhưng tôi xin phép được đề cập trong một bối cảnh mới. Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là cho phát triển và là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục và bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách Nhà nước”.
Cuối năm 2021, tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022; trong đó có quy định về định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục: Yêu cầu tỷ lệ tối thiểu chi thường xuyên cho giáo dục, hoạt động giảng dạy, học tập là 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục (theo tỷ lệ trước đây là 18%), như vậy có tăng lên.
Trường hợp tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy, học tập nhỏ hơn 19% (theo Quyết định số 30), đề nghị cần bổ sung để bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp các khoản có tính chất lương tối đa phải là 81%.
Như vậy, đối với các địa phương có tỷ lệ dân số thuộc vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu là 20%.
Đây là quy định rất mới. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy: Mức chi cho hoạt động giáo dục tối thiểu 20% so với tổng chi ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục chưa bao giờ đạt. Năm 2021 chỉ đạt 17,3%. Con số này ở giai đoạn 2016 - 2020 trong khoảng 17,4% đến 18,5%.
Tiếp đó, về lộ trình giảm chi thường xuyên, ngành Giáo dục có đặc thù, phần lớn kinh phí dùng để chi tiền lương. Nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình tại Nghị quyết số 19 của Trung ương sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương, cũng như chi cho chuyên môn; đồng thời thiếu nguồn lực để giải quyết các vấn đề như biên chế giáo viên thiếu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Giáo dục, đào tạo là lĩnh vực ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Trung ương. Khi đó, học phí chắc chắn tăng cao. Điều này sẽ gây áp lực cho học sinh và gia đình. Vấn đề này trước thềm mỗi năm học mới, chúng ta cũng đều nghe ý kiến từ cử tri.
Về bố trí ngân sách cho giáo dục đào tạo ở các địa phương không giống nhau. Qua giám sát cho thấy, có rất nhiều tỉnh tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy, học tập chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí dưới 10%, nhưng cũng có những địa phương có nguồn thu lớn nên chi cho chuyên môn trong tổng chi thường xuyên đối với giáo dục trên dưới 30%.
Sự khác nhau trong chi cho hoạt động giáo dục ở các tỉnh, thành cho thấy, chất lượng giáo dục sẽ không bảo đảm công bằng. Từ đó, tôi đề xuất Quốc hội và Chính phủ, cần cân đối và bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm cho giáo dục, đào tạo không dưới 20% theo quy định của Luật Giáo dục.
Ưu tiên bố trí, sắp xếp các chương trình, đề án, dự án của ngành Giáo dục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, cũng như chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên, phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng được yêu cầu từ con người cho đến cơ sở vật chất.
Đối với kinh phí thường xuyên cho giáo dục, đào tạo ở những địa bàn vùng khó khăn, đề nghị: Cần có hỗ trợ từ Trung ương để bảo đảm cho các địa phương có thể bố trí tối thiểu 19 - 20% chi cho hoạt động chuyên môn, giảng dạy theo đúng tinh thần của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – đoàn ĐBQH Bình Định:
Chế độ cho giáo viên cần được ưu tiên hàng đầu
“Tôi đề nghị, trong nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hằng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo. Đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách” - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.
Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý nên cũng phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. Các chế độ phải được ưu tiên trước nhất để thầy, cô sống được với lương của mình.
Tôi đã lấy thông tin từ Bộ GD&ĐT về thu nhập của giáo viên các cấp, ở nhiều khung thâm niên khác nhau và thấy rằng: Thầy, cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể là phải lo thêm cho gia đình.
Để thầy cô toàn tâm, toàn ý lo soạn bài, giảng bài, chấm bài, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn và chăm lo cho học sinh, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người. Chính sách thì phải đi với ngân sách. Theo quy định của ngân sách Nhà nước, chi cho giáo dục tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách.
Chi ngân sách cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ là 17,3%. Vậy chúng ta còn 2,7% tổng ngân sách, tương đương với 15% ngân sách ngành Giáo dục đã chi trong năm 2021 để lo tốt hơn cho đời sống, điều kiện giảng dạy và phát triển chuyên môn của đội ngũ.
Nếu lương tăng lên cao để đảm bảo thầy cô sống được bằng lương mà chất lượng đầu vào của ngành sư phạm không nâng sẽ không thuyết phục được các ngành khác. Vì vậy, tôi đề nghị, nếu chế độ cho giáo viên được ưu tiên hàng đầu thì đầu vào của sư phạm sẽ là những em học giỏi ở các trường phổ thông, có hạnh kiểm tốt.
Lộ trình áp dụng chế độ cho thầy, cô giáo sẽ vào năm 2028, khi các em tốt nghiệp đại học. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm về đội ngũ nhà giáo tài, đức, tâm huyết với ngành Giáo dục để thực hiện trọng trách cao cả của sự nghiệp trồng người.
Tôi tin, các ngành khác cũng ủng hộ, vì gia đình nào cũng vì con, vì cháu. Ai cũng muốn con cháu mình được giáo dục, dạy dỗ nên người. Ai cũng muốn sống quanh mình là những công dân tốt.
Đại biểu Vương Quốc Thắng – đoàn ĐBQH Quảng Nam:
Động lực giúp các trường đại học tự chủ thực chất
Tự chủ đại học đã đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tự chủ đại học làm thay đổi và phát triển nhanh chóng trường đại học. Theo đó, các trường đã có nhiều quyền hơn trong xây dựng chương trình giáo trình, kế hoạch giảng dạy, tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp.
Nhưng về tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản vẫn còn vướng mắc. Khung pháp lý còn thiếu hoặc chưa phù hợp. Ví dụ: Các trường có chính sách thu hút nhân tài nhưng không dễ để thực hiện do khó đảm bảo chính sách thu nhập một cách công bằng, minh bạch và theo vị trí việc làm. Theo tôi, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, đánh giá kỹ và tìm giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, một số trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ cơ bản bị cắt cấp ngân sách chi thường xuyên, trong khi cấp ngân sách theo hướng giao nhiệm vụ đặt hàng vẫn chưa được thể chế hóa, chưa có quy định cụ thể. Điều này dẫn đến các trường muốn tồn tại và phát triển buộc phải tăng học phí, ảnh hưởng đến cơ hội học tập của HSSV gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Theo tôi, Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế cấp ngân sách theo hướng giao nhiệm vụ đặt hàng (lập quỹ để giao nhiệm vụ đặt hàng). Theo đó, các trường tự chủ muốn lấy kinh phí từ quỹ này cần lập đề án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện; hoặc tổ chức đấu thầu giao nhiệm vụ đặt hàng, sau đó tăng cường giám sát chặt chẽ nội dung chi này.
Về Hội đồng trường là thiết chế giúp trường đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng giám sát và trách nhiệm giải trình với Nhà nước cùng các bên liên quan. Thực tế, việc vận hành của Hội đồng trường đã có nhiều kết quả tốt nhưng vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
Về vấn đề trách nhiệm giải trình, phải khẳng định tự chủ và trách nhiệm giải trình là hai mặt không thể tách rời. Thiếu trách nhiệm giải trình dễ biến tự chủ thành tự trị. Có hai công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình, đó là kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của trường đại học.
Tự chủ đại học là vấn đề liên ngành, liên bộ. Vì vậy, để tạo ra sự đột phá trong tự chủ đại học, Chính phủ nên cân nhắc lập một ủy ban hoặc một hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc; đồng thời tạo ra động lực giúp các trường đại học tự chủ thực chất.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH Yên Bái:
Rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục
Thời gian qua, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triển khai quyết liệt. Qua đó, góp phần giảm mạnh số đầu mối thông qua việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ trên cùng địa bàn hoặc hoạt động không hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế.
Sau khi sắp xếp lại, các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn, năng lực tự chủ, khả năng cung ứng dịch vụ công được cải thiện, đặc biệt là đã tiết kiệm được đáng kể nguồn ngân sách Nhà nước, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và địa phương. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về điều kiện, tiêu chí sắp xếp chưa đầy đủ, thiếu tính đồng nhất.
Đơn cử như, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học vẫn còn tình trạng trên cùng một địa bàn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp cả trực thuộc bộ, ngành và địa phương. Nhiều trường có cùng chức năng, ngành, nghề đào tạo và cùng tuyển sinh… Điều này không phát huy hết công suất đào tạo, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Do vậy, tôi đề nghị sớm tổng kết, đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công theo từng ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể quy hoạch, sắp xếp hợp lý, quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí cho ngân sách Nhà nước.