Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh: Sớm tháo gỡ khó khăn trong quản lý, thi hành án tử hình
Chiều 8/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên làm việc tại Hội trường với phần trình bày các báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và thảo luận về các báo cáo của ngành tư pháp; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Tại phiên làm việc, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu về việc quản lý, thi hành án tử hình.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, thực tiễn nước ta và nhiều nước trên thế giới, việc duy trì hình phạt tử hình là biện pháp cần thiết để trừng trị, răn đe và phòng ngừa các tội phạm. Công tác này liên quan trực tiếp đến việc giải quyết hồ sơ án tử hình, quản lý giam giữ, thi hành án tử hình.
Thời gian qua, công tác giải quyết hồ sơ án tử hình, quản lý giam giữ và thi hành án tử hình còn gặp một số khó khăn, nguyên nhân là: Số đối tượng bị kết án tử hình tăng nhanh.
Đại biểu Sùng A Lềnh dẫn chứng, toàn quốc hiện có khoảng 2.300 đối tượng bị kết án tử hình, trong đó án liên quan đến ma túy chiếm 83%, điểm nóng là các đường dây buôn bán ma từ Lào, Cam-pu-chia qua các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nghệ An, Tây Nguyên, đây là vùng có tỷ lệ cao đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Thủ đoạn của các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ma túy là lợi dụng địa hình phức tạp, đời sống còn nhiều khó khăn, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để tác động, mua chuộc, lôi kéo tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Qua công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về thi hành án hình sự tại địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy, số đối tượng phải thi hành án tử hình trên địa bàn tỉnh khoảng 110 đối tượng, có 97% trong số đó là án ma túy, có 91% đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Gia tăng đối tượng bị kết án trong khi công tác thi hành án tử hình trên phạm vi cả nước còn chậm, từ tháng 10/2021 đến nay mới thi hành được khoảng 1,3% tổng số đối tượng phải thi hành án tử hình. Có nhiều đối tượng phải thi hành án tử hình nhưng đã giam giữ nhiều năm, trong khi cơ sở giam giữ, trang - thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ để phục vụ quản lý giam giữ chưa đáp ứng yêu cầu. Có địa phương mắc tình trạng thiếu buồng giam, hệ thống camera giám sát xuống cấp, hư hỏng, tạo áp lực lớn cho công tác quản lý giam giữ.
Thông thường, đối tượng bị kết án tử hình gắn với diễn biến tư tưởng phức tạp, tiêu cực, thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, nhiều đối tượng sức khỏe yếu, trong thời gian giam giữ phát sinh nhiều loại bệnh lý. Một số đối tượng có biểu hiện chống đối, luôn tìm cách trốn trại, biểu hiện tự sát, tự gây thương tích hoặc cố tình xúc phạm, tấn công cán bộ quản lý, người thi hành công vụ.
Chỉ số ít địa phương có nhà thi hành án tử hình nên việc áp giải đối tượng thi hành án qua quãng đường dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Hiện, chi phí cho trường hợp thi hành án tử hình khoảng 250 - 500 triệu đồng, các khoản chi phí khác cho số đối tượng bị kết án tử hình cũng là một gánh nặng cho ngân sách địa phương. Ví dụ như tiền nuôi ăn, tiền khám - chữa bệnh…
Từ lý do trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến án tử hình để phù hợp với tình hình hiện nay. Cùng với đó là tăng cường hợp tác quốc tế nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, không để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước sớm có biện pháp tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý, thi hành án đối với những người bị kết án tử hình đang tạm giam tại trại tạm giam của công an các tỉnh, đồng thời rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ người bị kết án tử hình đã đủ điều kiện thi hành, nhất là số người đã giam giữ nhiều năm, nhằm giảm áp lực cho công tác quản lý giam giữ.
Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thời gian xét đơn xin ân giảm án tử hình để việc thi hành án tử hình kịp thời; đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt dự án xây dựng mới nhà giam người bị kết án tử hình và bổ sung kinh phí nâng cấp các trại tạm giam, trại giam để đáp ứng yêu cầu thực tế...