Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa: Tập trung truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và thành viên về vai trò của gia đình

Chiều 4-11, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có tham luận về vấn đề này.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy phát biểu tại Hội trường.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Trong năm 2019, Chính phủ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tạo bước chuyển biến tích cực, kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn hạn chế. Tội phạm giết người, cố ý gây thương tích tuy có giảm về số vụ nhưng tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, gây lo lắng trong nhân dân. Đây không chỉ là các vụ việc vi phạm pháp luật mà còn cho thấy đạo đức trong một bộ phận gia đình, xã hội xuống cấp nghiêm trọng, rất đáng báo động.

Qua nghiên cứu các báo cáo; đặc biệt là thông qua khảo sát, giám sát và ý kiến của cử tri cho thấy nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, Gia đình không lành mạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng. Công ước Liên hiệp quốc về bảo vệ quyền trẻ em đã khẳng định: Mái ấm gia đình là môi trường tốt nhất để trẻ em phát triển hoàn thiện thể chất và nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 2 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước” cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của Gia đình trong hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Tuy nhiên, theo báo cáo số 59 của TAND Tối cao tại Kỳ họp thứ 8 QH khóa XIV cho thấy các vụ án hôn nhân và gia đình phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 285.275 vụ trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm tới 84% tổng số các vụ án ly hôn mà Tòa án đã giải quyết. Hoặc theo một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng có trên 60% số người phạm tội giết người xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (có người thân như cha mẹ, anh chị em có tiền án, tiền sự, làm nghề phi pháp, bố mẹ ly hôn phải sống với ông bà, anh chị từ nhỏ).

Điều này cho thấy việc giữ gìn, xây dựng hạnh phúc gia đình đặc biệt trong giới trẻ hiện nay là rất cần được quan tâm.

Thứ hai, sự thiếu hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật của một bộ phận thanh niên hiện nay rất đáng báo động. Nguyên nhân là do trình độ học vấn hạn chế, thích đua đòi, thụ hưởng, dễ bị kích động nên đã xử sự trái các chuẩn mực xã hội dẫn đến động cơ phạm tội chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt, tư thù cá nhân, mâu thuẫn nhất thời khi va chạm giao thông, xích mích từ lời nói “trái tai” hay cái nhìn thiếu thiện cảm, có thể sát hại, gây thương tích cho người khác.

Thứ ba, Phong trào đấu tranh của xã hội, cộng đồng dân cư chống lại những hành vi bạo lực nhiều nơi còn yếu, cũng đến mức báo động. Nguyên nhân của vấn đề này là hành lang pháp lý cho việc phát động phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân còn chưa đầy đủ, chưa có cơ chế bảo vệ người dân dám đấu tranh chống lại cái ác.

Thứ tư, Mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là các thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, (Game online) và phim ảnh có yếu tố bạo lực, đồi trụy đã làm gia tăng tội phạm. Rất nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người do ám ảnh bởi những trò chơi giết người trên game hay phim bạo lực.

Thứ năm, Hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội đan xen giữa các yếu tố về kinh tế, hình sự, ma túy, núp bóng doanh nghiệp, liên kết vùng, xuyên quốc gia ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động và có sự đối phó tinh vi, biến thể dần. Người nghiện phần lớn đang ngoài xã hội trong khi đó các Trung tâm cai nghiện đều quá tải. Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng gây lo lắng trong nhân dân.

Từ những vấn đề trên đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành các lực lượng chức năng một số giải pháp sau:

Chính phủ, các bộ ngành chức năng nghiên cứu sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình. Ban hành chương trình tổng thể về “Xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”; tập trung truyền thông giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và thành viên về vai trò của gia đình, giúp các gia đình chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là thanh niên theo hướng phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, lĩnh vực, ngành, nghề bằng các hình thức tuyên truyền phong phú và thiết thực. Phát động phong trào “Thanh niên sống, lao động và học tập theo Hiến pháp và pháp luật”.

Phát động phong trào toàn dân đấu tranh, phát hiện và tố giác tội phạm, coi đây là hoạt động sinh hoạt cộng đồng thường xuyên. Bộ Công an, các địa phương khẩn trương thực hiện có hiệu quả chủ trương chính quy Công an xã để góp phần nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở. Lực lượng Công an tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với MTTQ, các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, không để mâu thuẫn kéo dài phát sinh tội phạm, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm xảy ra, duy trì nhân rộng các mô hình khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. Có cơ chế để bảo vệ người dân đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cộng đồng.

Các ngành chức năng sớm triển khai tuyên truyền và đưa Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống; có giải pháp kỹ thuật hữu hiệu để kiểm soát sàng lọc tốt ngăn chặn ngay từ đầu sự du nhập các luồng thông tin xấu độc, phim ảnh mang tính bạo lực, tuyên truyền cho lối sống buông thả có thể phá hoại những giá trị đạo đức truyền thống làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giáo dục nhân cách sống cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn và an ninh mạng.

Lực lượng Công an, Biên phòng, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chủ động nắm tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, triệt phá các tụ điểm, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, xử lý nghiêm minh tội phạm ma túy và triệt để thu hồi tài sản do phạm tội ma túy mà có. Chính phủ cần tiếp tục quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện có hiệu quả Chương trình “Phòng, chống tội phạm ma túy” trong thời gian tới.

PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-thanh-hoa-tap-trung-truyen-thong-giao-duc-van-dong-nham-nang-cao-nhan-thuc-cua-cac-cap-cac-nganh-cong-dong-va-thanh-vien-ve-vai-tro-cua-gia-dinh/109857.htm