Đại biểu Quốc hội thảo luận:Liệu thông tin khi dùng căn cước gắn chíp, căn cước điện tử có bị theo dõi?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 25-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi).

Phiên thảo luận tại hội trường sáng 25-10. Ảnh: QUOCHOI.VN

Phiên thảo luận tại hội trường sáng 25-10. Ảnh: QUOCHOI.VN

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin.

Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Bày tỏ thống nhất với việc đổi tên là thẻ căn cước song đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình tránh trường hợp như trước đây cấp thẻ căn cước không gắn chíp sau 1 tháng lại áp dụng cấp thẻ căn cước gắn chíp gây ra tốn kém.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo luật này.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại Điểm b, Khoản 3, Điều 23 của dự thảo luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này vào Điểm d, Khoản 1, Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.

Đại biểu phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thông tin trong thẻ căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tính bảo mật của thông tin của công dân, thẩm quyền khai thác, thu thập thông tin của công dân, thẩm quyền cấp, cấp đổi, đổi thẻ căn cước, về giấy chứng nhận căn cước, tên gọi dự thảo, giải thích từ ngữ…

Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân. Bộ Công an khẳng định sẽ đảm bảo an toàn, an ninh không để xảy ra tình trạng này.

Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Các đại biểu tham gia phiên họp tại hội trường. Ảnh: QUOCHOI.VN

Các đại biểu tham gia phiên họp tại hội trường. Ảnh: QUOCHOI.VN

Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu của công tác công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được đưa ra thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và 6 của Quốc hội.

Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều, quy định về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202310/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luanlieu-thong-tin-khi-dung-can-cuoc-gan-chip-can-cuoc-dien-tu-lieu-co-bi-theo-doi-11a21ed/