Đại biểu Quốc hội: 'Thao túng bất động sản nguy hiểm như thao túng thị trường chứng khoán'
Thao túng bất động sản nguy hiểm không khác gì thao túng thị trường chứng khoán, hành vi này rất tinh vi, nó không chỉ là việc đấu giá cao bỏ cọc mà còn là dùng dự án này 'kích' giá dự án khác...
Góp ý về các hành vi bị cấm trong Dự án Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Bởi trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại biểu, quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 9 về điều kiện để kinh doanh bất động sản còn chung chung. Để thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời đảm bảo đầy đủ điều kiện, tránh trường hợp bỏ sót nhiều tổ chức không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia kinh doanh bất động sản, đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh, bổ sung quyđịnh này.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, cần có quy định cấm hành vi thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản. Theo đại biểu, thao túng bất động sản nguy hiểm không khác gì thao túng thị trường chứng khoán. Hành vi này rất tinh vi, nó không chỉ là việc đấu giá cao bỏ cọc mà còn có thể là dùng dự án này “kích” giá dự án khác. Nếu không kiểm soát chặt sẽ tạo bong bóng trong thị trường bất động sản. Đại biểu đề nghị cần cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ.
Cùng tham gia phát biểu về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, trong đó có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh, vì thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra phổ biến, làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc), về các hành vi bị cấm tại khoản 4 Điều 8 quy định thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định của luật này, sử dụng tiền mua bán thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật. Khác với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 khi bỏ hành vi huy động chiếm dụng trái phép về vốn và không thống nhất với khoản 6 Điều 6 Luật Nhà cấm ký các văn bản huy động vốn cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện. Điều này vô tình tạo khẽ hở trong việc sử dụng vốn của chủ đầu tư, cũng như tạo các kênh khác để huy động nguồn vốn.
Cho rằng quy định tại dự thảo chưa đảm bảo về mặt pháp lý, đại biểu đề nghị cần xem lại theo hướng giữ nguyên các quy định liên quan đến việc nghiêm cấm chiếm dụng trái phép để hạn chế các hành vi này xảy ra.