Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia nhiều ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia nhiều ý kiến góp ý đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thể hiện quan điểm đồng tình với việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra huyện như Luật Thanh tra hiện hành. Đồng thời nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra theo hướng các bước tiến hành hoạt động thanh tra áp dụng chung cho cả 2 loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, do hai lĩnh vực thanh tra có những khác biệt nhất định, không thể nhập 2 quy trình theo như dự thảo trình Quốc hội. Về thẩm định và phê duyệt kế hoạch thanh tra của sở, cơ quan chuyên môn, đại biểu Ngân đề nghị quy định theo hướng: Trước khi Giám đốc Sở phê duyệt cần có thẩm định của Thanh tra tỉnh để không trùng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; đề nghị quy định rõ về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra của cấp huyện. Đại biểu Ngân cũng thể hiện băn khoăn đối với việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ở những sở, ngành không có cơ quan thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).

Đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách trong khám chữa bệnh đối với người dân ở vùng còn khó khăn; đề nghị Bộ Y tế cần có những chính sách cụ thể về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất y tế đối với vùng dân tộc thiểu số hải đảo, vùng còn nhiều khó khăn để nhằm cụ thể hóa chính sách của Nhà nước thể hiện trong Hiến pháp, và quy định cụ thể để quá trình triển khai được dễ dàng, luật sớm đi vào cuộc sống. Đối với quy định về ngôn ngữ sử dụng trong khám chữa bệnh của người khám chữa bệnh là người nước ngoài, đề nghị quy định theo phương án giữ như hiện hành. Theo đó, trong trường hợp người khám chữa bệnh không thành thạo tiếng Việt thì có thể sử dụng phiên dịch, tuy nhiên cũng cần có quy định cụ thể về phiên dịch, trách nhiệm của phiên dịch viên khi để xảy ra sự cố liên quan đến phiên dịch trong khám chữa bệnh. Đại biểu Thủy cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể các điều khoản liên quan đến xã hội hóa hợp tác công tư trong khám chữa bệnh.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với Luật khám chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Hữu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia ý kiến đối với Luật khám chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Hữu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, kế thừa những điều khoản cụ thể đang thực hiện hiệu quả để đưa vào tiếp tục thực hiện, đồng thời nghiên cứu bổ sung một số quy định liên quan đến thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an trong việc cấp chứng chỉ hành nghề và việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh; thẩm quyền cấp thu hồi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội và Công an…

Cùng tham gia ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) tham gia góp ý đối với các điều khoản quy định về phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ, về các hành vi bị cấm đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân…/.

Lục Thúy

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/chinh-tri/202205/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-bac-kan-tham-gia-nhieu-y-kien-doi-voi-du-an-luat-thanh-tra-sua-doi-va-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-153055a/