ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC KẠN: XỨNG ĐÁNG VỚI NIỀM TIN VÀ KỲ VỌNG CỦA NHÂN DÂN

75 năm qua, cùng với quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri.

Các thế hệ ĐBQH, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) do Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tổ chức.

Các thế hệ ĐBQH, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) do Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tổ chức.

Theo tiến trình lịch sử Quốc hội Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Kạn từ khóa I đến khóa II (1946 - 1964) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, từ khóa III đến khóa IX (1965 - 1996) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Thái, từ khóa X (1997 đến nay) là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Số lượng ĐBQH của tỉnh cũng thay đổi theo từng nhiệm kỳ của Quốc hội: Khóa I có 2 đại biểu; khóa II có 3 đại biểu, khóa III có 3 đại biểu. Do có sự thay đổi về sáp nhập địa giới hành chính, ĐBQH từ khóa IV đến khóa IX trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Thái có 15 đại biểu được bầu từ các địa phương thuộc tỉnh Bắc Kạn ngày nay. Sau khi tái thành lập tỉnh Bắc Kạn năm 1997, từ khóa X đến nay là Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, trong đó khóa X có 5 đại biểu; khóa XI, khóa XII, khóa XIII mỗi khóa có 6 đại biểu; khóa XIV có 7 đại biểu. Tổng số ĐBQH từ khóa I đến khóa XIV là 40 đại biểu, trong đó ĐBQH nữ là 10 đại biểu, có 9 đại biểu tham gia 2 khóa Quốc hội, 2 đại biểu tham gia 3 khóa Quốc hội.

Trong suốt quá trình hoạt động, các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh các nhiệm kỳ đã nỗ lực thực hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước và địa phương, có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ như: Bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước để đóng góp những ý kiến thiết thực tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là cầu nối, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; xem xét việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật… Qua các hoạt động đó, ĐBQH và Đoàn ĐBQH của tỉnh đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri và Nhân dân địa phương.

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, chất lượng hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh trong các nhiệm kỳ sau ngày càng được nâng lên. Tính từ khóa XI đến khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tham gia 364 lượt ý kiến trong các kỳ họp Quốc hội; tổ chức 721 cuộc tiếp xúc cử tri với hơn 40.500 lượt cử tri ở tất cả các xã, phường, thị trấn để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các thành phần cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương; tiếp nhận và xem xét xử lý 1.247 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, trong đó thông qua kiến nghị, chất vấn của ĐBQH đã có 3/4 vụ việc kéo dài được giải quyết.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức 60 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II; việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016; công tác trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số; việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em...

Bên cạnh đó, các vị ĐBQH đã tham gia Đoàn giám sát do Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức. Qua giám sát, đã kịp thời phát hiện những tồn tại bất cập nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp địa phương chấn chỉnh các bất hợp lý trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. Trong công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức được 132 hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng 158 dự án luật…

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh các nhiệm kỳ cũng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác xã hội, nhân đạo trên địa bàn; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các đối tượng gia đình chính sách, các vị ĐBQH tiền nhiệm, các đơn vị, địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều trở thành dấu ấn của từng đại biểu. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cũng đều thể hiện ý thức trách nhiệm, gương mẫu và luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Thực sự đại diện cho Nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thực hiện đầy đủ chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe, phản ánh, tâm tư nguyện vọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

75 năm đã qua, những dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh qua các thời kỳ hoạt động sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá cho những thế hệ ĐBQH tiếp theo tiếp nối, kế thừa và phát huy để hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình, góp phần tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=51256