Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại Chư Păh

Sáng 4-10, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai do bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai tại huyện Chư Păh.

Tham gia đoàn khảo sát có các đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh; cùng tham gia có bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát ý kiến của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ảnh: Quang Tấn

Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát ý kiến của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ảnh: Quang Tấn

Qua khảo sát thực tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và báo cáo của huyện Chư Păh, đoàn khảo sát đánh giá cao quy trình giải quyết hồ sơ, TTHC liên quan đến đất đai của huyện thời gian qua.

Thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, công tác giải quyết TTHC về đất đai đã được triển khai toàn diện trên tất cả các nội dung, theo đúng trình tự của Bộ TTHC do UBND tỉnh quy định.

Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Chư Păh. Ảnh: Quang Tấn

Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Chư Păh. Ảnh: Quang Tấn

Từ ngày 1-1-2022 đến 30-7-2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết theo TTHC thuộc lĩnh vực đất đai là 18.187 hồ sơ giao dịch bảo đảm; trong đó có 20 hồ sơ trễ hẹn, 42 hồ sơ tồn đọng, 291 hồ sơ chưa giải quyết và 1.434 hồ sơ không đảm bảo trả. Đa số các hồ sơ chưa giải quyết do cần công dân bổ sung thêm thủ tục pháp lý, công dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc đang giải quyết trong thời hạn.

Bên cạnh đó, các thành viên đoàn khảo sát cũng đề nghị UBND huyện, các phòng, ban làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong giải quyết TTHC về đất đai. Đại tá Đinh Văn Thê đề nghị: Huyện cần làm rõ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai phức tạp chỗ nào, vướng do luật, nghị định, thông tư hay trong quy trình thực hiện để đoàn nắm rõ và có báo cáo đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ. Hay việc giải quyết các hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng của huyện là như thế nào?

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát với UBND huyện Chư Păh. Ảnh: Quang Tấn

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát với UBND huyện Chư Păh. Ảnh: Quang Tấn

Còn ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng: Đất đai là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và liên quan trực tiếp đến người dân. Do đó, đề nghị huyện cho đoàn biết, thời gian qua, các phòng, ban chức năng của huyện đã thực hiện tốt văn hóa xin lỗi do chậm trễ giải quyết TTHC lĩnh vực này chưa? Trong hồ sơ của công dân thường để lại số điện thoại, trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung thì bộ phận tiếp nhận, giải quyết có kịp thời gọi cho người dân bổ sung hay đợi đến ngày hẹn mới hướng dẫn họ. Điều này nếu không thực hiện tốt thì sẽ gây cho người dân nhiều bức xúc khi phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ. Điển hình như hồ sơ của một công dân mà tôi trao đổi tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện sáng nay về giải quyết TTHC về đất đai. Theo phản ánh công dân này thì hồ sơ của họ đã 2 năm nay chưa xong, phải đi lại các cơ quan, đơn vị rất nhiều lần.

Đại tá Đinh Văn Thê nêu vấn đề. Ảnh: Quang Tấn

Đại tá Đinh Văn Thê nêu vấn đề. Ảnh: Quang Tấn

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Hữu Tùng-Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Điều kiện làm việc của các Văn phòng Đăng ký đất đai từ tỉnh đến cấp huyện hiện nay rất thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ. Không những thiếu về nơi làm việc, máy móc, trang thiết bị mà cả phần mềm quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về đất đai, phần mềm tại bộ phận một cửa còn chưa đồng nhất dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong giải quyết TTHC về đất đai. Đặc biệt, vấn đề về nguồn nhân lực của các Văn phòng Đăng ký đất đai hiện nay của tỉnh khá bất cập. Hầu hết người trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC về đất đai đều là hợp đồng ít ràng buộc, trách nhiệm chưa cao nên hiệu quả xử lý công việc đạt thấp. Hàng năm, tình trạng chảy máu chất xám của các Văn phòng rất nhiều, trung bình mỗi năm có khoảng 20 người-là những người làm việc tốt, được đào tạo bài bản xin nghỉ việc. Mong các vị đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc hiện nay của các Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu ý kiến. Ảnh: Quang Tấn

Ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu ý kiến. Ảnh: Quang Tấn

Đồng quan điểm, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh đề nghị: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm, sớm đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề nhân lực tại các Văn phòng Đăng ký đất đai. Ở một vị trí việc làm rất nhạy cảm, trách nhiệm cao nhưng đa số là hợp đồng thì không phù hợp, rất nguy hiểm. Các cấp cần xem xét, tính toán đến việc sử dụng viên chức để nâng cao trách nhiệm, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân. Ủy ban nhân dân huyện cũng đề nghị tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tính toán bổ sung thêm con người, máy móc cho bộ phận đo đạc, lập trích lục vì qua theo dõi nhiều hồ sơ chậm trễ chủ yếu nằm ở công đoạn này. Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cũng cho rằng, hiện nay các Luật Đất đai (2013), Lâm nghiệp, Xây dựng… chưa thống nhất, nhiều quy định chồng chéo nhau gây khó khăn trong giải quyết TTHC về đất đai…

Kết luận buổi khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương đề nghị: Để việc giải quyết TTHC về đất đai thời gian tới tốt hơn, UBND huyện cần quan tâm chỉ đạo sát sao các phòng, ban chức năng, chính quyền cấp xã nhằm giải quyết nhanh chóng các hồ sơ tồn đọng cũng như các hồ sơ tiếp nhận mới. Đồng thời, tăng cường nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết hồ sơ, TTHC lĩnh vực đất đai.

Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nay Kiên phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Quang Tấn

Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nay Kiên phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Quang Tấn

“Ủy ban nhân dân huyện cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc giải quyết TTHC, đảm bảo đúng thời gian quy định, tăng tỷ lệ hồ sơ đúng hạn. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ và có giải pháp chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân cũng như kịp thời xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân nhằm tạo niềm tin cho Nhân dân”-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị.

Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị: UBND huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phối hợp với Văn phòng HĐND-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh các kiến nghị, đề xuất để đoàn có cơ sở tham gia ý kiến, đề xuất tháo gỡ tại các diễn đàn của Quốc hội.

QUANG TẤN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-khao-sat-viec-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-ve-dat-dai-tai-chu-pah-post251269.html