Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện Dự án Nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Theo Tờ trình 767/TTr-CP của Chính phủ, việc đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt, quy hoạch của các ngành, các vùng và các địa phương có liên quan.

Về mục tiêu đầu tư, việc xây dựng tuyến ĐSTĐC nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến ĐSTĐC bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Về quy mô đầu tư, Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng... Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác ĐSTĐC.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành nội dung thảo luận tổ.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành nội dung thảo luận tổ.

Thảo luận tại tổ, các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình 767/TTr-CP. Đồng thời, nhấn mạnh, đây là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, tính khả thi, các ĐBQH cũng góp ý nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: Nguồn vốn cho Dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án...

Góp ý về chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự ủng hộ cao đối với chủ trương đầu tư dự án này, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược, kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của dự án. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cũng nêu một số băn khoăn và kiến nghị cần cung cấp thêm thông tin về khả năng huy động và cân đối vốn để thực hiện dự án.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, là lần đầu triển khai tại Việt Nam, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về tiến độ và tổng mức đầu tư. Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp đối với những vấn đề khó khăn phát sinh trong triển khai.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu thảo luận.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao và đồng tình với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đại biểu, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam.

Để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát trong triển khai, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam. Đồng thời, trong suốt quá trình thực hiện cần lưu ý giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin phải là giải pháp xuyên suốt, quan trọng nhất trong tất cả các khâu, đáp ứng phát triển kinh tế số của ngành đường sắt...

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm, chú trọng tới việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ không chỉ liên quan tới việc vận hành mà cả các dịch vụ phụ trợ khác, sự phát triển của các địa phương khi có tàu cao tốc đi qua... Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề cung đường phù hợp; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam; thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho dự án...

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc bổ sung đường cất cánh số 3 vào dự án, vì không làm tăng tổng mức đầu tư và không ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính, kinh tế của dự án. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể, khả thi để đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án, tránh phát sinh thêm các vấn đề cần phải điều chỉnh trong tương lai. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc ổn định đời sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân bị thu hồi đất.

Cũng tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện Dự án Nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Về thí điểm thực hiện Dự án Nhà ở thương mại, các đại biểu nhận thấy vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng, tránh hợp pháp hóa các sai phạm trong quá khứ. Về nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện, cần xem xét lại mức lãi suất 10% vì không hấp dẫn nhà đầu tư…

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202411/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-chu-truong-dau-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-tren-truc-bac-nam-1026474/