Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 30-5, Quốc hội làm việc tại hội trường và tại Tổ để thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội họp tập trung tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Tổ đại biểu để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đánh giá cao sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo Nghị quyết rất công phu, kỹ lưỡng, qua nhiều bước.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang góp ý, để thực hiện đúng quan điểm, mục đích yêu cầu của dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đảm bảo nguyên tắc thống nhất Đảng lãnh đạo về công tác cán bộ, và đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành tại Điều 6 về đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, điểm C, khoản 1 quy định phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung kết quả thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đồng bộ với Điều 5 về tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm của Quy định 96 của Bộ Chính trị. Vì trong Quy định 96 của Bộ Chính trị cả 2 tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đều đề cập đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 6 quy định về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài… đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm từ nếu có sau cụm từ thu hút và trọng dụng nhân tài bởi trên thực tế trung ương và địa phương đều có chính sách thu hút nhân tài nhưng không phải địa phương nào cũng đều sử dụng và thu hút được nhân tài theo chính sách thu hút. Có chăng là một số đơn vị, địa phương tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thật sự giỏi về chuyên môn thì cũng chưa có tiêu chí nào đánh giá đó là nhân tài.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Đồng thời, góp ý đối với nội dung quy định về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm đề nghị bổ sung từ ngữ làm rõ tiêu chí về sáng tạo đảm bảo đầy đủ ý nghĩa của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét mối quan hệ giữa các quy định trong dự thảo liên quan đến công tác quản lý đất đai, nhà ở với việc Quốc hội đang xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở để quy định cho phù hợp.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Liên quan đến quy định về hạn mức phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất trong các cơ chế đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể của quy định này đối với các chỉ tiêu về sử dụng đất lúa cho phù hợp với việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết 39/2021 của Quốc hội. Bên cạnh đó, đối với quy định về các ngành nghề ưu tiên và cơ chế thu hút nhà đầu tư tại Điều 7, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các ngành nghề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực xã hội, trợ giúp con người thực hiện các dịch vụ xã hội như chăm sóc người cao tuổi tại nhà, chăm sóc bảo vệ trẻ em phòng, chống bạo lực gia đình… góp phần giảm thiểu những vấn đề xã hội phát sinh. Đầu tư vào lĩnh vực trợ giúp con người sẽ không thấy kết quả ngay nhưng về lâu dài sẽ phát huy hiệu quả nhất, đảm bảo một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Ngoài ra, góp ý cho dự thảo nghị quyết này, ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Dương thống nhất cần thành lập Sở An toàn thực phẩm, nhất là TP. Hồ Chí Minh địa bàn dân cư đông, nhiều cơ sở kinh doanh nên cần thành lập để kiểm soát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm…

MINH TRÍ - THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202305/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-nhieu-noi-dung-quan-trong-980500/