Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ góp ý sửa đổi một số điều của 8 Luật
Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cơ bản thống nhất với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật đầu tư theo đối tác công tư, Luật luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Sáng 6-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật đầu tư theo đối tác công tư, Luật luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tham dự còn có lãnh đạo một số Sở, ngành và các Ban HĐND thành phố.
Tại buổi thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật đã nêu. Việc này là rất cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa quan tâm Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 3).
Theo đó đại biểu Nghĩa hoàn toàn đồng tình với Báo cáo (bổ sung) số 299/BC-BTP ngày 27-12-2021 của Bộ Tư pháp và chọn giải pháp 2.
Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) có quy định một trong các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”.
Quy định trên không phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư và điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở. Mặt khác, theo quy định về “các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở” tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 52, 58 Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì hồ sơ, căn cứ và điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất phải được thực hiện trên cơ sở dự án đầu tư.
Nếu như vậy thì việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sẽ được thực hiện sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, yêu cầu về chuyển mục đích sử dụng đất trước khi làm thủ tục đầu tư là không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai.
Đặc biệt, từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực đến nay, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở sẽ không thể thực hiện được.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Thiếu tướng - Giám đốc Công an TP Cần Thơ cũng thống nhất với dự thảo của Quốc hội. Đặc biệt đại biểu Thuận cũng thống nhất việc sửa đổi bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109: “Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm; thời hạn công bố phải trước ngày 31 tháng 7 hằng năm; bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có);”
“Vấn đề này rất mới và phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo xác định đúng đối tượng doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Việc sửa đổi bổ sung tại các Điều 49, 50 và 60… cũng rất cần thiết nhằm giảm bớt chi phí thời gian cho doanh nghiệp và đảm bảo sự thống nhất hệ thống pháp luật về thông tin doanh nghiệp”, đại biểu Thuận nêu ý kiến.
Đóng góp ý kiến về sửa đổi bổ sung Luật THA, ông Nguyễn Viết Xuân, Cục trưởng Cục Thi hành án (THA) TP Cần Thơ đề nghị không thực hiện việc ủy thác xử lý tài sản mà chỉ thực hiện ủy thác THA. Bên cạnh đó Cục trưởng Cục THA cho rằng luật THA đã được ban hành rất lâu (hơn 7 năm) đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, còn chồng chéo với các luật khác như luật đất đai, luật nhà ở, công chứng…
Đơn cử như theo luật THA thì chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải THA trong điều kiện bình thường. Khoản tiếp theo nêu trong điều kiện chưa được cấp giấy nếu đủ điều kiện cấp giấy theo luật đất đai thì vẫn kê biên. Tuy nhiên khi kê biên phần đất này thì công chứng lại không công chứng, qua bên Sở Tài nguyên thì cũng không cấp giấy vì đất chưa được cấp giấy thì sao bán đấu giá được.
Bên cạnh đó Luật THA cũng chưa quy định trách nhiệm các bên khi phối hợp thi hành án mà chỉ có quy chế liên ngành. Ngoài ra nhiều quy định cũng không phù hợp với thực tế. Như luật quy định khi giao quyền cho chấp hành viên phân chia tài sản của vợ chồng khi kê biên. Trường hợp vợ chồng thỏa thuận không được thì chấp hành viên thường chia đôi là không đúng vì thẩm quyền của thẩm phán… Do đó nếu được thì nên có tổng hợp chung nhưng vướng mắc để sửa một lần mới giải quyết được căn cơ vấn đề…
Kết thúc phiên thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu và cho rằng các ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu với cử tri.