Đại biểu Quốc hội tranh luận về thu hộ khẩu giấy, Bộ trưởng Công an nói gì?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định 'công an thu hộ khẩu của người dân' chỉ là trường hợp cá biệt, ngành công an không có chủ trương thu.

Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân

Sáng nay (10/8), chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông) nêu phản ánh của cử tri, khi đến cơ quan công an làm thủ tục thì bị thu hộ khẩu giấy.

Trong khi đó, công dân khi làm thủ tục ở cơ quan nhà nước như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy gốc đến đối chiếu. Nhưng sổ đã bị thu nên phải dùng giải pháp tạm thời là công dân đến cơ quan công an xin xác nhận, hiệu lực trong 6 tháng.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

"Như vậy rõ ràng chúng ta chưa có sự kết nối liên thông với sổ hộ khẩu trong căn cước công dân với các thủ tục của cơ quan nhà nước. Sắp tới đến cuối năm 2022, bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy mà vẫn chưa kết nối liên thông thông tin hộ khẩu như hiện nay sẽ rất rối, gây khó khăn cho công dân, chi phí bỏ ra của người dân trong việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến hộ khẩu là có vấn đề", ông Giang phân tích và cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông)

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông)

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đại tướng Tô Lâm cho rằng đây là trường hợp cá biệt và ngành công an không có chủ trương thu hộ khẩu.

Hộ khẩu còn giá trị hiệu lực đến ngày 31/12, đây đều là những phát sinh cá biệt. Ông Tô Lâm cho biết sẽ kiểm tra, xác minh vấn đề này và đề nghị đại biểu cung cấp thông tin để xử lý.

Vẫn chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Trường Giang tranh luận lần hai với Bộ trưởng Tô Lâm, nói các cử tri nhắn cho ông rằng việc thu sổ hộ khẩu được thực hiện theo Thông tư 55, có hiệu lực từ 1/7/2021, "chứ không phải việc này ở một địa phương, địa bàn nào cả".

Bộ trưởng Công an nói tiếp "đây là vấn đề hiểu không đúng về Thông tư 55".

"Theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải thu đại trà tất cả sổ hộ khẩu. Công an cũng không cấp mới sổ hộ khẩu khi công dân đến điều chỉnh thông tin. Chúng tôi không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Ủng hộ cá cược hợp pháp để tránh cá cược "chui"

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐồngTháp) nêu thực trạng, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng đã và đang diễn ra phức tạp, khó lường.

Nêu câu hỏi nguyên nhân nào khiến lực lượng công an đã xử lý rất nhiều nhưng các vụ việc vẫn không thuyên giảm mà ngày càng tinh vi hơn, đại biểu Hòa hỏi: "Đã đến lúc nước ta phải cho phép thực hiện Nghị định về cá cược để quản lý chặt chẽ hơn và được thu thuế, hạn chế được tình trạng cá cược trên mạng?".

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, ngành công an đã triển khai nhiều kế hoạch, các giải pháp đấu tranh trấn áp tội phạm, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng và đạt được nhiều kết quả. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã khởi tố gần 600 bị can trong các vụ án đánh bạc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng nhìn nhận, tình hình hiện nay còn rất phức tạp, phần lớn máy chủ đặt tại nước ngoài, nên rất khó xử lý triệt để. Việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu xử lý các đối tượng rất khó khăn, do đối tượng tận dụng được công nghệ trên mạng để thực hiện hành vi phạm tội.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tổ chức trên không gian mạng. Tăng cường tuyên truyền về các hệ lụy của việc tham gia đánh bạc trên mạng để người dân chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh với tội phạm này.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Nghị định về cá cược nghiên cứu nhiều năm mới ban hành và có hiệu lực từ năm 2017, nhưng đến nay chưa thực hiện. Việt Nam đã thí điểm cho phép casino hoạt động, vậy vì sao chưa thí điểm vấn đề cá cược?

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, dù đã có nghị định về cá cược nhưng đến nay các cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính chưa chọn được đơn vị, cơ quan nào để làm đầu mối.

"Hiện chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào đảm bảo đủ điều kiện để làm cá cược thể thao nên chưa thực hiện được. Nhưng chúng tôi ủng hộ cần thực hiện cá cược đúng quy định để giảm những việc bất hợp pháp", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trao đổi làm rõ thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101 hướng dẫn thực hiện Nghị định 06.

Với việc đặt cược đua ngựa, năm 2020, Thủ tướng đã quyết định cấp phép về chủ trương đua ngựa tại trường đua của huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, khi triển khai có vướng mắc về việc góp vốn của Tổng công ty Du lịch Hà Nội nên đến nay chưa triển khai được.

Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương đầu tư, còn khi dự án đua ngựa hoặc đua chó hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cá cược. Tuy nhiên, hiện chưa có dự án nào hoàn thành.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 3 địa phương: Phú Yên, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc đang đề xuất chủ trương đầu tư trường đua ngựa nhưng các địa phương này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, hiện vẫn chưa có hồ sơ.

Với việc cá cược bóng đá quốc tế, Nghị định 06 quy định phải đấu thầu để lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra thực hiện việc kinh doanh cá cược bóng đá. Tuy nhiên, quy định này lại vướng phải Luật Đấu thầu khi luật này không có quy định hình thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp, chỉ có đấu thầu gói thầu của dự án.

Hiện Bộ Tài chính đã xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp và hai bộ trả lời là được, Bộ đã trình nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 từ tháng 5/2022.

P. Đô - T. Giang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-ve-thu-ho-khau-giay-bo-truong-cong-an-noi-gi-d562180.html