Đại biểu Quốc hội ủng hộ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Đại biểu Quốc hội cho rằng ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có nhiều biến tướng gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và tán thành đề xuất của Chính phủ cấm loại hình này.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sáng 20-11 thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Đại biểu Phạm Huyền Ngọc đoàn Ninh Thuận cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Chính phủ trong dự thảo luật về bổ sung ngành kinh doanh "dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Đại biểu Ngọc cho biết, trong quá trình hoạt động theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2014, có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tuân thủ quy định pháp luật nhưng không ít doanh nghiệp, cá nhân đã không tuân thủ điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật liên quan.
Từ thực tiễn công tác cũng như qua phản ánh của nhiều cử tri thời gian qua, đại biểu ngành Công an khẳng định dịch vụ đòi nợ thuê có nhiều biến tướng khó lường, để lại nhiều hệ quả tiêu cực với xã hội.
Trong đó, ông Ngọc thông tin có nhiều tình trạng bên đòi nợ đã tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản của người vay nợ một trách trái pháp luật; sử dụng nhiều hành vi trấn áp, đe dọa, gây hoang mang, khủng bố tinh thần với con nợ, khủng bố tinh thần với gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp của người vay nợ, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.
"Nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng kí kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, mất an ninh trật tự", đại biểu Ngọc nói và dẫn chứng lại một số vụ việc được nêu trên báo chí gần đây về hiện tượng xã hội đen núp bóng doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng xã hội đen đe dọa, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, có vụ đã dẫn đến chết người.
Về xử lý hiện tượng biến tướng, đại biểu Ngọc cho biết lực lượng Công an rất khó xác định đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các hành vi nợ do cờ bạc nhưng chuyển thành giấy xác nhận vay tiền và con nợ đã bỏ trốn, không hợp tác với cơ quan điều tra.
Theo đại biểu, hoạt động vay và cho vay nợ là hành vi giao dịch dân sự, khi phát sinh vấn đề thì các bên tham gia phải tự giải quyết hoặc khiếu kiện để tòa án giải quyết. "Nhà nước có đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án để giải quyết", đại biểu khẳng định.
"Nếu luật đầu tư sửa đổi lần này đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm thì sẽ góp phần hạn chế được hoạt động "tín dụng đen" vì việc đòi nợ thuê bị cấm, mọi hành vi vi phạm pháp luật sẽ đều bị xử lý nghiêm", ông Ngọc nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết việc xác định chính xác nợ trong giao dịch vay và cho vay không đơn giản, không thể chỉ vì một vài tờ giấy hay lời nói của một người mà đi đòi được.
Đại biểu cho biết, trong nhiều trường hợp, hoạt động vay và cho vay vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong giao dịch, vi phạm quy định về cấm cho vay nặng lãi nên dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh. Xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không tuân thủ quy định, dể lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Cũng theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, vay nợ và thu hồi nợ là nhu cầu thực tế của xã hội. Để giải quyết những vấn đề phát sinh từ hoạt động này thì ta cần tăng cường hoạt động hòa giải cơ sở, xử lý tranh chấp tại tòa án.
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của lần sửa đổi Luật Đầu tư này là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần này sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Luật bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Dự thảo luật bổ sung ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.