Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Cần có 'đường cao tốc' trong xây dựng thể chế, chính sách

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn thành phố Hà Nội cho rằng cần phải xây dựng 'con đường cao tốc' trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.

Chiều 21/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Chiều 21/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường (Ảnh: media.quochoi.vn)

Chiều 21/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường (Ảnh: media.quochoi.vn)

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật trên từ ngày 1/8/2024 để góp phần kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh vẫn còn có ý kiến băn khoăn về thời gian gấp rút sẽ khó khăn cho công tác xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, tuy nhiên đa số các đại biểu đã đồng tình, ủng hộ điều chỉnh thời gian thi hành luật từ ngày 1/8 tới đây.

Cần đánh giá đầy đủ rủi ro, yếu tố tác động khi triển khai luật

Theo đại biểu Lý Thị Lan - ĐBQH tỉnh Hà Giang, từ trước đến giờ chúng ta chỉ xem xét việc kéo dài và lùi thời hạn thực hiện. Còn lần này là lần đầu tiên Quốc hội xem xét việc đẩy sớm thời gian thực hiện luật. Dự thảo luật có ý nghĩa quan trọng, nhiều điểm mới, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các văn bản dưới luật đã được triển khai theo đúng quy định của văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã cam kết, đảm bảo về chất lượng cũng như có báo cáo giải trình rõ về các nội dung.

Trong báo cáo của Chính phủ mới nêu các điểm tác động tích cực, những điểm có lợi khi triển khai thực hiện các luật này. Tôi đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ những rủi ro và những yếu tố tác động bất lợi khi triển khai sớm các luật trên. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, Chính phủ và các Bộ, ngành thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh thành, các địa phương đã có ý kiến tham gia trực tiếp vào các dự thảo Thông tư, Nghị định.

Tuy nhiên, để các địa phương có thể ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền thì cần phải có sự hướng dẫn của các Bộ, ngành cũng như hướng dẫn thứ tự ưu tiên thực hiện các Nghị định, Thông tư, để khi luật có hiệu lực thi hành thì tại các địa phương có thể triển khai thực hiện được. Ngoài ra, cần có các chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp thực thi luật.

Đại biểu Dương Khắc Mai góp ý tại hội trường (Ảnh:media.quochoi.vn)

Đại biểu Dương Khắc Mai góp ý tại hội trường (Ảnh:media.quochoi.vn)

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH Đắc Nông đã tán thành điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm của các luật trên. Đại biểu cho biết: Qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Tờ trình của Chính phủ và theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông, tôi nhận thấy các cơ quan dư luận xã hội đều cho rằng Luật Đất đai năm 2004, Luật Nhà ở năm 2003 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2003 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách mới của Đảng, khắc phục những tồn tại, bất cập của các luật trước đây, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời có nhiều quy định mang tính đổi mới tiến bộ, đột phá, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Theo đại biểu, về mức độ đáp ứng điều kiện đảm bảo thi hành luật trong trường hợp luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định có đầy đủ cơ sở các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành luật từ ngày mùng 1/8/2024.

Điều này cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm trong việc xây dựng, chuẩn bị hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo các luật thực sự phát huy lợi ích của Nhà nước, người dân doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo hạn chế những tác động không mong muốn xảy ra, đặc biệt không tạo ra khoảng trống hay kỳ họp pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện”- đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương băn khoăn do còn một số nội dung chưa đảm bảo để thi hành pháp luật.

Đến ngày 18/6/2024 chỉ một nội dung được quy định chi tiết, còn 28 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật đất đai, Nhà, Kinh doanh bất động sản chưa được ban hành. Đồng thời, nhiều nội dung do chính quyền địa phương quy định chi tiết trong khi văn bản của Trung ương chưa ban hành. Mặt khác, theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho rút gọn sẽ rất khó khăn, để đảm bảo tất cả các quy định chi tiết khi luật hiệu lực sớm ngày 1/8/2024”- đại biểu Xuân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Xuân, nội dung trình dự án luật chưa có báo cáo đánh giá tác động, lợi ích, hiệu quả, rủi ro, khó khăn, vướng mắc và các phương án để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi luật có hiệu lực sớm để đại biểu nghiên cứu và quyết định.

Cần xây dựng con đường “cao tốc” trong xây dựng hoàn thiện thể chế

Trong khi đó đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, cần phải xây dựng con đường “cao tốc” trong xây dựng hoàn thiện thể chế.

Đạo biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội (Ảnh:media.quochoi.vn)

Đạo biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội (Ảnh:media.quochoi.vn)

Theo đại biểu, thay đổi thời gian thi hành luật rất quan trọng, hiện người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi và hy vọng Quốc hội sẽ thông qua luật, rút ngắn thời gian 5 tháng là vô cùng quý giá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện những con đường cao tốc. Chúng ta luôn kỳ vọng rằng không chỉ có những con đường cao tốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mà cần có những con đường cao tốc trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nếu không có sự bứt phá mạnh mẽ về thể chế thì chúng ta sẽ khó thoát khỏi thu nhập trung bình”- đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đã hoan nghênh Chính phủ trong bối cảnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đang khá phổ biến thì Chính phủ đã vượt lên nỗi lo ngại này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong các luật, phần lớn các vấn đề có thể áp dụng được ngay trong thực tiễn, còn một số ít vấn đề phải có văn bản hướng dẫn của Chính phủ hoặc của địa phương.

Tất cả những vấn đề đã rõ, đã chín và không cần hướng dẫn vào cuộc sống là một thành công rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, phần lớn những văn bản hướng dẫn đã tương đối hoàn chỉnh và có thể ban hành. Trên cơ sở đó chính quyền địa phương cũng sẽ ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai các luật”- đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết và góp ý về cách làm đó là không chờ Chính phủ có văn bản hướng dẫn, các địa phương chuẩn bị ngay các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của địa phương dựa trên văn bản dự thảo hướng dẫn của Chính phủ. Cách làm kết hợp này giúp quá trình triển khai luật được tốt hơn.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-vu-tien-loc-can-co-duong-cao-toc-trong-xay-dung-the-che-chinh-sach-327451.html