Đại cảnh - điểm nhấn trong phim Việt

Phim Việt hiện nay đa phần đều có các đại cảnh để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả cũng như quảng bá

Đại cảnh không chỉ phải quy mô, độc đáo mà còn đòi hỏi nhà làm phim sáng tạo, đủ để mang đến cảnh quay hoành tráng, có điểm nhấn nhằm thu hút người xem. Nếu thực hiện qua loa, không làm nổi bật được nội dung liên quan thì đại cảnh sẽ không hiệu quả, gây lãng phí cho nhà làm phim.

Ngốn thời gian, kinh phí

Trong một tác phẩm điện ảnh, số lượng đại cảnh bao nhiêu, thiết kế thế nào sẽ phụ thuộc nguồn kinh phí, kịch bản và thể loại phim. Nếu phim thể loại kinh dị hay tình cảm xã hội thì không cần quá nhiều đại cảnh, mà thường tập trung vào phần quan trọng cần nhấn mạnh. Song, với thể loại phim hành động hay phiêu lưu thì đại cảnh càng nhiều càng tốt.

Hậu trường cảnh quay một đại cảnh trong phim “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Hậu trường cảnh quay một đại cảnh trong phim “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Muốn có được một đại cảnh phù hợp, ê-kíp làm phim phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, thiết kế, dàn dựng sao cho vừa sáng tạo, hấp dẫn vừa an toàn nhất có thể. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết trong phim "Dưới đáy hồ" - ra rạp từ ngày 6-6 - anh cùng ê-kíp thực hiện 2 đại cảnh. Để có được mỗi đại cảnh, đoàn phim phải chuẩn bị 2 ngày, sau đó quy tụ các diễn viên, gồm cả diễn viên quần chúng, tập luyện thuần thục rồi mới bắt đầu quay.

"Thực hiện đại cảnh thường tốn nhiều chi phí bởi số lượng diễn viên quần chúng tham gia đông, phải trả thù lao cho họ. Các khâu chuẩn bị cho việc quay đại cảnh và bảo đảm an toàn cũng phải chặt chẽ. Đạo diễn và ê-kíp phải căng mắt quan sát, sao cho mọi thứ dù nhỏ nhất cũng phải đúng vị trí. Sau khi quay, công việc hậu kỳ cũng tốn không ít thời gian, chi phí vì những chi tiết bị lệch hoặc không có trong kịch bản phải chỉnh sửa, xóa bỏ" - đạo diễn Trần Hữu Tấn tiết lộ.

Trong loạt phim "Lật mặt", đạo diễn Lý Hải cùng ê-kíp thực hiện đã đầu tư không ít đại cảnh để tạo điểm nhấn cho tác phẩm. Trong phần mới nhất là "Lật mặt 8: Vòng tay nắng", đại cảnh cháy nổ được quay với 5 camera, gồm 3 máy quay lớn và 2 thiết bị không người lái. Để giữ độ chân thật, đại cảnh được quay trực tiếp, không sử dụng nhiều công nghệ mô phỏng hình ảnh CGI. Nhằm bảo đảm an toàn và có cảnh quay đẹp, các chuyên gia cháy nổ cũng tham gia đại cảnh này.

Với đại cảnh lũ tràn đập, cũng trong "Lật mặt 8: Vòng tay nắng", ê-kíp làm phim đã trải qua 14 ngày thiết kế, thực hiện. Không ít lần, họ phải ngâm mình trong nước tại đập Nha Trinh, tỉnh Ninh Thuận.

"Chúng tôi đã đi rất nhiều nơi để tìm kiếm địa điểm quay, vì đại cảnh này cần phải có hình ảnh lúc nước dâng và nước rút" - đạo diễn Lý Hải nhớ lại. Cuối cùng, anh chọn đập Nha Trinh với chiều dài gần 500 m, cao 5 m và rộng 3 m.

Trong quá trình thực hiện đại cảnh này, nhiều lần đoàn phim phải ngừng quay do nước dâng cao, có lúc cuốn trôi cả hệ thống đèn chiếu sáng. Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, đoàn phim đã mời khoảng 10 diễn viên đóng thế, họ được trang bị áo phao, sẵn sàng vào việc khi cần thiết.

Nỗ lực vì khán giả

Nhắc đến đại cảnh, đạo diễn nào cũng than khó bởi áp lực lúc thực hiện thường rất lớn. Tuy nhiên, nếu phim không có đại cảnh thì rất khó chinh phục khán giả, trừ những tác phẩm có kịch bản đặc thù.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn nhìn nhận: "Đại cảnh là yếu tố giúp tăng giá trị cho một bộ phim. Nhìn vào đại cảnh, người xem sẽ biết được mức độ đầu tư cho tác phẩm thế nào. Vì thế, dù chi phí cho đại cảnh cao hơn nhiều so với cảnh bình thường, lại đòi hỏi sự sáng tạo nhưng nhà làm phim vẫn nỗ lực thực hiện để phục vụ khán giả. Khán giả xem phim có đại cảnh hoành tráng, phù hợp sẽ cảm thấy "đã", thấy xứng đáng với số tiền họ bỏ ra mua vé".

Đạo diễn Kay Nguyễn cũng cho rằng đại cảnh là yếu tố tiên quyết của nhiều tác phẩm điện ảnh. Đa phần, đại cảnh sẽ được nhà làm phim chọn đưa vào kế hoạch quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến khán giả. Với đại cảnh ấn tượng, khán giả cũng sẽ bị cuốn hút và không tiếc tiền mua vé xem phim.

Điện ảnh ở nhiều nước phát triển rất chú trọng thực hiện đại cảnh. Các đoàn phim sẵn sàng bỏ ra nhiều chi phí, công sức để tạo nên những đại cảnh hoành tráng, gây choáng ngợp cho khán giả khi thưởng thức tác phẩm.

Điện ảnh Việt Nam chưa thể sánh với nhiều nước về mức độ đầu tư vào tác phẩm, trong đó có đại cảnh. Thế nhưng, nhà làm phim trong nước ngày càng chú trọng đến việc thực hiện đại cảnh để góp phần giúp tác phẩm hấp dẫn hơn. Đây là một tín hiệu tích cực, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều đại cảnh được đầu tư tâm huyết hơn trong các phim sắp tới.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-canh-diem-nhan-trong-phim-viet-19625052720311279.htm