Đãi cát tìm vàng trong lòng hồ thủy điện
Những ngày qua, nhiều người dân đã đến khu vực lòng hồ Thủy điện Đăk Mi 4 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đãi vàng sa khoáng. Công việc hết sức vất vả và nhiều rủi ro. Ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, chính quyền thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu, việc làm này vừa nguy hiểm vừa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lòng hồ.
Bắt đầu từ tháng 7, hồ Thủy điện Đăk Mi 4 ở khu vực xã Phước Chánh ngày càng cạn nước để lộ ra bãi cát dài khoảng 2km, rộng hơn 300m. Đây cũng là lúc người dân đổ xô đi đãi vàng sa khoáng, bởi khu vực này vào mùa mưa lũ, vàng sa khoáng từ trên các đỉnh đồi núi trôi xuống lẫn trong cát, sỏi, đá, nhưng bị nước trong hồ thủy điện dâng cao nhấn chìm. Đến mùa khô, nước cạn, người dân địa phương tranh thủ ra dọc bờ hồ để đãi cát tìm vàng.
Mưu sinh bất chấp rủi ro
Ngày 22/7, chúng tôi chứng kiến cả khu vực lòng hồ Thủy điện Đăk Mi 4, đoạn qua xã Phước Chánh rất đông người dân đi từng nhóm và mang theo các dụng cụ như máng, mâm, xẻng, xô nhựa, rổ, bát... để đãi cát tìm vàng. Với những công cụ thô sơ này họ ngâm mình vài tiếng đồng hồ trong dòng nước lạnh tìm kiếm cho mình những vận may, với hy vọng trong bòn (vật dụng chuyên dùng để đãi vàng), trong máng đãi có ít vàng cám, giúp họ có nguồn thu nhập lo trang trải cuộc sống gia đình.
Cứ như thế vào thời điểm này dọc theo lòng hồ Thủy điện Đăk Mi 4 rất dễ bắt gặp từng nhóm người dân mang theo dụng cụ để đãi vàng sa khoáng. Họ không khai thác vàng theo kiểu đào hầm lò xuyên sâu vào núi mà chỉ dùng cách thủ công là ngâm mình dưới nước rồi đào lên từng xẻng đất, cát đưa vào bòn để đãi vàng. Hay có người dùng máng để đãi cho tới khi nào chỉ còn lại một lớp cát trộn với quặng hỗn hợp có màu đen xì trong đó có thể có vàng, sau đó họ làm sạch lớp hỗn hợp đó để tìm những hạt vàng bé tí.
Lúc chúng tôi có mặt ở đây, vợ chồng anh Hồ Văn Đào (ở xã Phước Chánh) đang dùng những thanh gỗ dài gần 1m, rộng 0,5m đóng cọc trên bãi cát làm máng để đãi vàng. Trên đầu máng, anh Đào để một rổ nhựa lọc những viên đá, sỏi hay các loại rác như rễ cây khô, mục... dưới rổ nhựa là máng gỗ có trải một lớp nhựa và dưới nữa là lớp vải, máng có nhiều nấc để khi lọc các lớp sỏi cát, còn đọng lại là vàng.
Anh Đào cho biết, thường ngày anh làm nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên gần một tháng qua, nước hồ cạn nên vợ chồng anh ra lòng hồ Thủy điện Đắk Min để đãi vàng, công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày, dù rất vất cả nhưng bù lại có thêm thu nhập. Công việc đãi vàng sa khoáng theo anh Đào là rất vất vả bởi vì phải làm thủ công, nghĩa là dùng sức để xúc đất, cát dưới lòng hồ lên máng mà đãi vàng, nó đòi hỏi người tham gia công việc này phải có sức khỏe.
“Khi dùng máng đãi vàng thì đá, sỏi nằm lại ở trong rổ. Phía dưới rổ nhựa là máng nước đẩy cát trôi, vàng nằm lại ở tấm vải và thảm nhựa. Đãi khoảng vài chục phút trên máng, tôi đem tấm vải nhung rũ sạch vào mâm gang hình giống chiếc nón để tìm những hạt vàng cám li ti. Song chẳng mấy khi có vàng. Thế rồi tiếp tục phải làm lại, kiên nhẫn thì mới có thu nhập” - anh Đào nói.
Còn anh Hồ Văn Đáy, cũng ở xã Phước Chánh cho biết: “Thời điểm này ở địa phương ít người đến thuê đi làm nương rẫy, vì thế không có nguồn thu nhập để lo cuộc sống gia đình. Do đó, tôi cùng bà con địa phương rủ nhau ra dọc bờ hồ thủy điện đãi vàng. Biết đây là việc làm không được phép nhưng khó khăn quá bà con cũng làm liều”.
Theo anh Đáy, công việc khá vất vả vì thường phải khom lưng nên đau mỏi toàn thân. Hôm nào gặp may mắn thì đãi được gần phân vàng thô, bán đi kiếm được chừng 300 nghìn đồng, còn bình thường thì chỉ được 60 đến 100 nghìn đồng. Việc đãi vàng chỉ làm được vào mùa khô cạn, còn mùa mưa nước dâng cao không thể ra bờ lòng hồ đãi vàng được, vì nước chảy xiết nên rất nguy hiểm.
Nỗ lực tuyên truyền
Việc khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam từng xảy ra ở các vùng núi cao, người dân ra sông đào xới đôi bờ, đốn hạ cây cối, khoét núi, đào hầm, thậm chí dùng hóa chất để đãi vàng. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm thay đổi dòng chảy, không đảm bảo an toàn lao động, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.
Thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt trong công tác lập lại trật tự ở những vùng khai thác vàng trái phép. Theo đó cơ quan chức năng đã liên tiếp xử lý, thậm chí đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép, tình hình nhiều nơi đã ổn. Thế nhưng việc khai thác vàng ở lòng hồ thủy điện khi nước rút vẫn còn tiếp diễn.
Ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc người dân ra hồ thủy điện Đăk Mi 4 đãi vàng là trái phép, chính quyền thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu, việc làm này vừa nguy hiểm đến tính mạng vừa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lòng hồ. Tuy nhiên, do cuộc sống còn khó khăn nên nhiều người vẫn ra lòng hồ đãi vàng.
“Chúng tôi cố gắng xử lý vấn đề này sao cho hài hòa để bà con hiểu rằng việc này rất nguy hiểm và không được phép. Đã có nhiều người hiểu ra họ không còn tham gia đãi vàng ở đây nữa mà đi tìm việc khác để mưu sinh” - ông Huy cho biết.
Còn theo ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, việc người dân đãi vàng sa khoáng ở dưới lòng hồ Thủy điện Đăk Mi 4 bà con chỉ làm thủ công, chủ yếu họ xúc cát, sỏi chỗ đất, cát bồi lấp nên không có ảnh hưởng gì đến dòng chảy hoặc sạt lở đến chân đập thủy điện. Hơn nữa việc này chỉ diễn ra trong mùa nắng khi nước lòng hồ rút xuống. Tuy nhiên, việc làm này không được phép vì đây là khai thác vàng trái phép.
Ông Điểm cũng cho biết, để ngăn chặn dứt điểm tình trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo cho UBND xã Phước Chánh tổ chức các buổi tuyên truyền đến bà con địa phương về những bất cập khi khai thác vàng trái phép. Đặc biệt nguy hiểm nếu vào ngày có mưa lớn, nước thượng nguồn dâng cao thì bà con chạy vào bờ không kịp nên nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân cùng với đó là nhiều vấn đề liên quan khác.
Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: “Thực tế đa số bà con khai thác vàng có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc đãi vàng sa khoáng được thực hiện bằng các biện pháp thủ công, không sử dụng phương tiện máy móc nên không gây ra sạt lở, không dùng hóa chất nên không làm ô nhiễm nguồn nước, nhưng đây là việc làm không được phép. Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, huyện sẽ tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát dọc bờ hồ Thủy điện Đăk Mi 4 để ngăn ngừa tình trạng người dân làm vàng sa khoáng trái phép ở khu vực lòng hồ thủy điện này”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dai-cat-tim-vang-trong-long-ho-thuy-dien-5723908.html