Đại chiến Okinawa - Những ý đồ tàn bạo
75 năm trước, quân Đồng minh thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản - Trận chiến lớn cuối cùng thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai (CTTGII). Ông David Kindy là một nhà báo, văn sĩ tự do và là nhà phê bình sách sống ở Plymouth (Thịnh vượng chung Massachusetts, Hoa Kỳ) đã tiết lộ câu chuyện thật sự về ý định thả bom khét tiếng này.
Một trận chiến, 2 bên cùng tổn thất nặng
Binh nhất hải quân Eugene Sledge đã tận mắt nhìn thấy cảnh kinh sợ. Có 2 người lính Nhật tay lăm lăm cầm gươm đã tấn công nơi đóng quân của Sledge đặt trên đảo Xung Thằng (Okinawa) vào tháng 6/1945, nhưng họ đã bị bắn chết trước khi "hành thích" người Mỹ.
Okinawa là một dạng chiến trường. Hòn đảo này đã được duyệt trước cho kế hoạch xâm lược Nhật Bản, nơi cách đất liền Nhật Bản chỉ 350 hải lý. Người Mỹ đặt mục tiêu bằng mọi giá phải chiếm giữ sân bay Okinawa để phóng các oanh tạc cơ đánh sập các khu công nghiệp của kẻ thù; phía Nhật cũng trong tư thế quyết tử đến người cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Thủy quân và quân đội Mỹ đã hứng chịu con số thương vong cao khủng khiếp về cả thể xác và tinh thần khi họ ra sức hạ gục kẻ thù đang cố gắng quyết tử trên hòn đảo nhỏ. Người Mỹ tổn thất nặng nề: 7.500 lính thủy quân lục chiến cùng binh sĩ và khoảng 5.000 thủy thủ.
Về phía Nhật cũng không kém thương đau khi "hiến tế" ít nhất 110.000 lính, sau trận chiến khá nhiều người đã bị thất lạc. Ước tính khoảng 10 vạn thường dân bị chết hoặc bị bắt thông qua các cuộc giao tranh giữa 2 bên hay bị ép tự vẫn hàng loạt.
Tham chiến ở Okinawa cũng cực kỳ tốn kém khi Hải quân Mỹ tổn thất 36 chiến hạm và thêm 368 cái khác bị hư hỏng bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Bunker Hill khi con tàu bị tấn công bởi 2 máy bay Thần Phong. Còn đối với Tổng thống Harry S. Truman thì những gì xảy ra tiếp sau đó là một quyết định định mệnh. Nhậm chức ở Nhà Trắng vào tháng 4 ngay sau cái chết của Franklin Delano Roosevelt, Truman đã nghe nói đến Dự án Manhattan.
Trước khi trận Okinawa kết thúc vào ngày 22/6/1945, Truman đã đi đến một quyết định rằng chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thả bom nguyên tử nhằm tránh "người Okinawa tái tập hợp lực lượng để phản công".
Hai cuốn sách mới phát hành gần đây đã khảo tra lại cuộc tàn sát từ 75 năm trước và ảnh hưởng của nó tới quyết định tung loại vũ khí mới, đó là cuốn "Huyết tử Okinawa: Đại chiến trường cuối cùng của CTTGII" (tác giả Joseph Wheelan) và cuốn "Luyện ngục: Anh hùng ca và bi kịch Okinawa, 1945" (tác giả Saul David) đã nhắc lại tổn thất nhân mạng khi chiến cuộc vẫn còn lâu mới kết thúc.
Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả Joseph Wheeland phát biểu: "Okinawa và Iwo Jima từng làm náo loạn Tổng thống (Truman) và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, họ có thể đã nghĩ đến sự tổn thất khi tấn công vào đất liền Nhật Bản. Truman thừa biết người Mỹ sẽ mất chiến cơ, chiến hạm và nhân mạng, và có thể sẽ triệt hạ toàn bộ người Nhật. Các lãnh đạo Okinawa tuyên bố họ sẽ quyết tử. Hòn đảo sẽ trở thành đống xỉ than. Và quyết định được đưa ra".
Chiến dịch Iceberg đã được phát động vào ngày 1/4/1945 bằng cuộc đổ bộ lớn nhất ở Mặt trận Thái Bình Dương. Chiến lược của người Mỹ là đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Okinawa và tiếp đó dùng siêu pháo đài bay B-29 tấn công vào căn cứ không quân Kadena trong cuộc tấn công cuối cùng của Nhật. Sự gần kề của đảo Okinawa, nơi cách thủ đô Tokyo không đầy 1000 hải lý, đồng nghĩa là các oanh tạc cơ có thể cung cấp cơ chế bảo vệ cho các chiến cơ ra, vào khi thực thi các sứ mạng.
Hơn 184.000 lính Mỹ và thủy quân lục chiến đã đổ bộ lên các bãi biển của Okinawa. Thay vì nghĩ rằng sẽ bị kháng chiến quân Nhật đẩy lùi khi leo lên bờ, nhưng ngược lại lính Mỹ ít gặp sự kháng cự. Cho đến khi lính Mỹ chui sâu vào đảo thì họ bất ngờ gặp phải sự kháng cự cực mạnh của hàng phòng thủ địch.
Đến lúc trên bờ vực chiến tranh, nhiều tướng tá cấp cao trong hàng ngũ quân đội Nhật mới giật mình nhận ra kẻ thù có dã tâm nhiều hơn họ tưởng. Người Nhật hy vọng xé lẻ các trận đấu để gây tổn thất thật nhiều cho quân Mỹ dẫn đến nhụt chí chiến đấu và đưa ra các điều khoản thuận lợi để đầu hàng.
Vào thời điểm diễn ra Trận Peleliu (bắt đầu vào tháng 9/1944), người Nhật đã từ bỏ các cuộc tấn công banzai (tấn công tự sát toàn diện được thực hiện bởi lính bộ binh) và triển khai chiến lược phòng thủ với những cuộc phục kính gây thương vong cao, cùng một loạt những cái hộp bằng bê tông có đặt súng máy để tạo nên bức tường tấn công và các công sự sườn.
Tác giả Wheelan giải thích: "Người Nhật đưa ra thứ binh pháp gọi là "phòng thủ tiêu hao". Họ sẽ phục kích trong các ngọn đồi, núi đá, và để địch tới gần. Mục đích của họ là để cho kẻ địch đại bại".
Kết quả là cuộc chiến ở Okinawa đã biến thành trận so găng đẫm máu. Những huyết trận tại đỉnh Kakazu, Đồi bánh đường, Ngọn móng ngựa, Đồi bán nguyệt, Ngọn răng cưa và Dinh Thủ Lý đã trở thành những biểu tượng huyết chiến quyết tử ở Okinawa.
Hải chiến Okinawa cũng chứng kiến 2 tướng Mỹ là Simon Bolivar Buckner Jr. và Claudius Miller Easley tử trận. Trung tướng Buckner là tướng Mỹ cao cấp nhất bị tử trận trước hỏa lực của quân thù. Ngoài ra quân Mỹ cũng bị thương thêm 36.000 người. Nhiều binh lính gồm cả binh nhất Sledge vẫn còn cảm giác ám ảnh kinh hoàng dù cuộc chiến đã qua đi mấy thập kỷ sau đó.
Con số kinh hoàng
Khi thương vong gia tăng, Truman bắt đầu lo sợ rằng Chiến dịch sụp đổ (chiến dịch xâm lược Nhật Bản) sẽ vô cùng tốn kém. Hơn 3 triệu người đã được tập hợp cho cuộc tấn công ở Okinawa vốn đã được lên kế hoạch vào tháng 11/1945. Giới chức quân đội Mỹ ước tính rằng để chiếm giữ Okinawa sẽ chỉ mất 1 triệu người.
Vào ngày 18/6/1945, một thời điểm trước khi Okinawa được tuyên bố an toàn, Tổng thống Truman đã tiến hành gặp mặt các cố vấn quân sự cao cấp nhằm đánh giá chiến cuộc.
Cái giá cao kỷ lục. Những cuộc xung đột trước đó đã chứng kiến tỷ lệ thương vong Mỹ - Nhật ở mức 1:5, Okinawa là 1:2. Chiến lược phòng thủ Nhật Bản đã thành công. Ngoài thương vong về phía Mỹ, Truman còn lo ngại các tổn thất từ phía Nhật. Thường dân Nhật đã được huấn luyện chiến đấu du kích bằng các cây chĩa gai hay đinh ba, hoặc tự vẫn, chứ nhất quyết không phục tùng kẻ chiếm đóng.
Tác giả Wheelan viết trong cuốn sách của mình: "Các nhà tuyên truyền Nhật Bản trong những nhát vẽ lắt léo đã mô tả người Mỹ là những tên sát nhân tàn bạo chuyên giết người, tra tấn, cầm tù binh lính và dân thường Nhật… Một số người làng đã kích nổ lựu đạn; số khác tự tử bằng dao cạo, lưỡi liềm, dây thừng và cả đá".
Cuối cùng cuộc thảo luận giữa Truman với bộ sậu đã xoay sang Dự án Manhattan. Việc phát triển bom nguyên tử gần như đã hoàn tất, mặc dù chưa thử nghiệm. Trinity (mã danh của vụ kích nổ vũ khí nguyên tử đầu tiên ở New Mexico) đã được lên kế hoạch vào giữa tháng 7/1945. Cuộc tranh luận về cách sử dụng bom hạt nhân, và đạo đức của việc ra quyết định đó, là chủ đề của một đánh giá lịch sử nóng hổi.
Đối với một số sử gia bao gồm tác giả Saul David, quyết định của Tổng thống Truman đến khá dễ dàng. Ông Saul David giải thích: "Tất cả các nhà khoa học chủ chốt đều có mặt ở đó bao gồm cả nhà vật lý J. Robert Oppenheimer. Tất cả bọn họ cùng thống nhất: nếu bom hoạt động thì nó cần phải được dùng. Lý do rõ ràng ở đây là nhằm kết thúc đại chiến và cứu nhiều sinh mạng".
Các chuyên gia khác tin rằng Tổng thống Truman thực sự đã có lựa chọn từ trước. Hai ông Kai Bird và Martin J. Sherwin, là các tác giả của cuốn sách đoạt giải Pulitzer mang tiêu đề American Prometheus (tiểu sử của nhà vật lý Oppenheimer) từ lâu đã lập luận rằng Nhật Bản sẽ đầu hàng nếu không muốn bị "ăn" bom, đặc biệt là sự tiến công của Liên Xô từ ngả Mặt trận Thái Bình Dương.
Vụ thả bom nguyên tử
Tiếng nói của hai ông Bird và Sherwin cùng với những người ký thỏa thuận khác từ lâu đã trở thành một phần của một cuộc tranh luận toàn nước Mỹ ngay từ năm 1995 liên quan đến kế hoạch mà Bảo tàng Smithsonian mở cuộc trưng bày Enola Gay: chiếc máy bay đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima.
Sau chiến tranh, đô đốc William D. Leahy nói rằng ông từng phản đối việc sử dụng bom nguyên tử (ông Leahy dùng từ "dã man") dù rằng không thấy có tài liệu nào ghi lại việc ông đã phát ngôn chống lại quyết định dùng bom. Sử gia quân sự Max Hastings lập luận với tờ The Guardian hồi năm 2005 rằng khoản đầu tư kỷ lục của quân đội Mỹ trong Dự án Manhattan chính là để dùng cho đòn cuối cùng.
Sử gia Hasting viết: "Có một động lực công nghệ thôi thúc: một nỗ lực khổng lồ nhằm tạo ra loại vũ khí để các lực lượng Đồng Minh có thể đánh bại kẻ thù. Một sáng kiến như thế rất cần đến sự phê chuẩn của Truman".
Ngày 25/7/1945 tức chỉ 1 tháng sau khi kết thúc cuộc chiến ở Okinawa, người Mỹ ra lệnh về việc "đầu hàng vô điều kiện" hoặc "đối mặt với sự hủy diệt hoàn toàn". Không có đề cập nào đến quả bom nguyên tử cũng như không có phản hồi chính thức nào từ phía Nhật.
Ngày 6/8/1945, máy bay Enola Gay cất cánh từ hòn đảo nhỏ Tinian, chở theo "Chú Bé" - vũ khí nguyên tử đầu tiên dùng cho cuộc chiến. Đại tá Paul Tibbets và phi hành đoàn đã lái pháo đài bay B-29 (đã được sửa đổi) trực chỉ Hiroshima - một trung tâm công nghiệp quan trọng đối với các nỗ lực thời chiến của Nhật Bản.
Hiroshima khi đó có 350.000 dân. Lúc 8 giờ 15 phút sáng, "Chú Bé" đã được thả ở độ cao 9.448m. Chiếc Enola Gay chao đảo khi nó thả "Chú Bé" nặng tới 4.536 kg. 43 giây sau đó, "Chú Bé" phát nổ ở độ cao 579m gần như hủy diệt cùng lúc một khu vực rộng 4 dặm vuông của thành phố Hiroshima, làm chết ngay tức khắc từ 9 đến 14 vạn dân.
Nhiều thi thể đã tan biến trong vụ nổ. Cơ trưởng Robert Lewis sau đó đã viết trong hồi ký về chuyến bay rằng: "Những người có mặt trên Enola Gay là "những gã dơ dáy với thứ mà họ chứng kiến. Tôi không biết phải tìm từ gì để giải thích cho chuyện đó, chỉ biết than "Chúa ơi, con đã làm gì thế này?".
3 ngày sau đó, quả bom nguyên tử thứ 2 thả xuống Nagasaki, Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15/ 8/1945. Lính Mỹ không thể nào tin nổi họ có thể sống sót sau khi chinh phạt đảo quốc 71 triệu dân!
Tác giả Wheelan viết: "Cho đến lúc đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ nhận ra rằng công luận Mỹ đang quá ngán ngẩm chiến tranh. Chiến tranh Châu Âu đã qua và nhiều người Mỹ cảm thấy xa lạ với chiến tranh chống Nhật. Khi hải quân Mỹ đề xuất sẽ phong tỏa đảo quốc và để người Nhật đói kém phải đầu hàng, người Mỹ đã phản đối. Người Mỹ không kiên nhẫn thêm nữa, họ muốn kết thúc nhanh: xâm lược hoặc thả bom".
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/dai-chien-okinawa-nhung-y-do-tan-bao-602165/