Đại cử tri đoàn - hệ thống 'lạ đời' quyết định ghế Tổng thống Mỹ

Khi người dân Mỹ đi bầu cử, lá phiếu của họ không trực tiếp quyết định ai là người chiến thắng. Thay vào đó, họ chọn ra các đại cử tri đại diện cho bang mình.

 Tổng cộng, Mỹ có 538 đại cử tri. Ứng viên nào đạt đủ 270 phiếu đại cử tri trở lên sẽ thắng cử. Ảnh: iNews.

Tổng cộng, Mỹ có 538 đại cử tri. Ứng viên nào đạt đủ 270 phiếu đại cử tri trở lên sẽ thắng cử. Ảnh: iNews.

Khi bầu lớp trưởng trong trường, bạn chỉ cần có nhiều phiếu bầu nhất để giành chiến thắng. Nhưng với bầu cử tổng thống Mỹ, mọi thứ không đơn giản như vậy.

Phiếu của cử tri không trực tiếp được tính vào cho ứng viên như Kamala Harris hay Donald Trump. Thay vào đó, chúng phải qua một hệ thống cử tri đoàn - các đại diện của từng bang sẽ thực hiện việc bỏ phiếu.

Tại sao nước Mỹ có cử tri đoàn?

Hệ thống này hình thành từ hơn 2 thế kỷ trước. Nguyên tắc cơ bản là: số lượng đại cử tri của mỗi bang được quyết định dựa trên dân số của bang đó. Các đại cử tri sẽ là những người bỏ phiếu cho ứng viên Tổng thống thay mặt người dân.

Các đại cử tri này thường là các nhà hoạt động chính trị hoặc tình nguyện viên có sức ảnh hưởng trong bang. Số lượng đại cử tri của mỗi bang được xác định dựa trên dân số: những bang đông dân như California có tới 54 đại cử tri, trong khi những bang ít dân như Wyoming chỉ có 3 người. Tổng cộng, Mỹ có 538 đại cử tri. Ứng viên nào đạt đủ 270 phiếu đại cử tri trở lên sẽ thắng cử.

Đại cử tri đoàn giống như một loại “lá chắn” giúp duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các bang lớn và nhỏ. Mỗi bang có một số lượng đại cử tri nhất định, giúp giảm nguy cơ các bang đông dân kiểm soát kết quả bầu cử toàn quốc.

 Mỗi bang có số lượng đại cử tri bằng tổng số đại diện và thượng nghị sĩ mà bang đó có trong Quốc hội. Ảnh: Governing.

Mỗi bang có số lượng đại cử tri bằng tổng số đại diện và thượng nghị sĩ mà bang đó có trong Quốc hội. Ảnh: Governing.

Trong ngày bầu cử, người dân Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tại bang của mình. Sau đó, phiếu bầu của họ sẽ được tính tổng để xác định ứng viên nào giành chiến thắng ở bang đó. Ở hầu hết bang, ứng viên có nhiều phiếu bầu nhất sẽ giành được toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.

Ví dụ, nếu một ứng viên giành được 51% số phiếu phổ thông ở California, họ sẽ được toàn bộ 54 phiếu đại cử tri của bang này. Tuy nhiên, 2 bang Maine và Nebraska là ngoại lệ. Họ áp dụng cơ chế phân bổ phiếu đại cử tri theo từng khu vực bầu cử.

Theo New York Times, hệ thống Đại cử tri đoàn không phải tự nhiên mà có. Nó là sản phẩm của sự thỏa hiệp trong giai đoạn thành lập nước Mỹ.

Đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu Quốc hội hay toàn dân có quyền lựa chọn tổng thống. Thời đó, chọn lựa thông qua Quốc hội có thể khiến tổng thống phụ thuộc vào Quốc hội, trong khi phương án bỏ phiếu phổ thông lại khiến nhiều bang lo ngại rằng các bang đông dân sẽ có quá nhiều ảnh hưởng.

Cuối cùng, hệ thống cử tri đoàn được chọn là giải pháp dung hòa, vừa giữ cho các bang nhỏ có tiếng nói, vừa hạn chế sự tập trung quyền lực vào các bang lớn.

Hệ thống bầu cử gây tranh cãi

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với hệ thống này. Hệ thống cử tri đoàn đã nhiều lần gây tranh cãi vì những trường hợp ứng viên giành chiến thắng không phải người nhận được số phiếu phổ thông cao nhất.

Trong lịch sử Mỹ, đã có 5 lần người thắng cử lại không phải là người được bầu chọn bởi đa số dân chúng. Gần đây nhất là Donald Trump vào năm 2016 và George W. Bush năm 2000, theo Guardian.

Năm 2016, Donald Trump trở thành tổng thống vì giành được nhiều phiếu bầu của cử tri đoàn hơn, dù Hillary Clinton mới là người có tổng số phiếu bầu nhiều hơn Trump - gần 2,9 triệu phiếu. Sau khi phân tích, các chuyên gia nhận thấy rằng Trump trở thành tổng thống nhờ 77.744 phiếu bầu ở 3 bang.

Tính theo phần trăm tổng số phiếu bầu cho tổng thống trên toàn nước Mỹ, năm 2016, ông Trump chỉ giành được nhiều hơn 0,06% trong tổng số 137 triệu phiếu bầu.

Hệ thống cử tri đoàn có nghĩa là không phải tất cả cử tri đều có quyền lực như nhau trong các cuộc bầu cử tổng thống, American Progress viết. Một đại cử tri ở California đại diện cho hơn 726.000 người. Ở Wyoming, một cử tri đại diện cho hơn 194.000 người.

Alexander Keyssar, tác giả của cuốn sách Why Do We Still Have the Electoral College, nhận định: "Đây không phải là một hệ thống hoàn hảo về quyền dân chủ. Nó là một mạng lưới thỏa hiệp nhằm cân bằng quyền lực giữa các bang”.

 Các bang mà một trong 2 ứng cử viên tổng thống đều có cơ hội chiến thắng thường được gọi là "các bang dao động". Ảnh: Guardian.

Các bang mà một trong 2 ứng cử viên tổng thống đều có cơ hội chiến thắng thường được gọi là "các bang dao động". Ảnh: Guardian.

Với Đại cử tri đoàn, chiến lược tranh cử của các ứng viên không chỉ là giành được nhiều phiếu phổ thông nhất, mà là tập trung vào các bang “dao động” - những bang có khả năng thay đổi kết quả cuối cùng.

Trong kỳ bầu cử 2024, có 7 bang được coi là bang “dao động” bao gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Georgia, North Carolina, Arizona và Nevada. Các bang này trở thành “chiến địa” quan trọng trong các cuộc bầu cử. Các ứng viên biết rằng chỉ cần thắng ở những bang này là có thể quyết định cuộc chơi.

Năm 2020, khoảng 44.000 phiếu bầu của 3 bang "dao động" Wisconsin, Georgia và Arizona đã giúp Biden giành chiến thắng với hệ thống cử tri đoàn. Tỷ lệ chênh lệch nhỏ như vậy là điều bất thường trong một cuộc bầu cử có 154,6 triệu người bỏ phiếu.

Mặc dù đúng là năm đó Joe Biden nhận được nhiều hơn 7 triệu phiếu bầu so với Donald Trump, ông thực sự được bầu làm tổng thống vì nhận được 306 phiếu bầu đại cử tri đoàn - nhiều hơn con số tối thiểu là 270, American Progress cho hay.

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-cu-tri-doan-he-thong-la-doi-quyet-dinh-ghe-tong-thong-my-post1508968.html