Dai dẳng hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường
Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường từ lâu đã trở thành vấn nạn khó dẹp bỏ. Tuy lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh, xử lý nhưng hành vi vi phạm trật tự đô thị vẫn tái diễn gây nên nhiều hệ lụy và bức xúc trong Nhân dân.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm điểm kinh doanh tràn lan trên nhiều tuyến phố.
Hàng ngày, cứ vào khoảng 15 giờ trở đi, dọc tuyến đường Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ Chợ Vườn Hoa đến Tòa nhà Viettel (TP Thanh Hóa) lại trở nên nhộn nhịp, sôi động. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thi nhau “bịt kín” vỉa hè và biến lối đi công cộng trở thành khu vực sở hữu riêng của mình bằng cách giăng đèn, bày bàn ghế tràn lan để đón khách. Từng dãy xe của khách hàng xếp san sát nhau khiến cả dãy vỉa hè kéo dài hàng trăm mét sáng rực làm người ta khó phân biệt được đâu là địa phận được kinh doanh hợp pháp của hàng quán, đâu là nơi thuộc về khu vực công cộng. Vào một số thời điểm, từ những bếp nướng bày trên vỉa hè khói bay nghi ngút gây trở ngại tầm nhìn của người đi đường cùng cảnh nhân viên các quán ào xuống lòng đường đón vẫy khách gây nên cảnh lộn xộn, nhốn nháo.
Chị Vũ Thị Thương, một người dân sống gần khu vực này cho biết: “Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ nhưng muốn đi qua đoạn đường này, chúng tôi toàn phải bước xuống lòng đường vì các cửa hàng kinh doanh nằm kề sát nhau bày đồ tràn lan và rất đông người ra vào thì làm gì còn chỗ để người dân đi lại. Rất mong cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của các cơ sở kinh doanh buôn bán tại đây để nhanh chóng trả lại đường thông hè thoáng cho phố”.
Cùng với những vi phạm về trật tự đô thị của các cơ sở kinh doanh cố định tại các tuyến phố lớn thì ở nhiều khu vực tập trung đông dân cư, tình trạng họp chợ tự phát cũng thường xuyên diễn ra. Cách đây vài tháng, các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP Thanh Hóa tưởng như bị “xóa sổ”, nhưng ở thời điểm hiện tại, chợ cóc, chợ tạm lại xuất hiện và hoạt động trở lại. Nào hàng rau, hàng cá tạm bợ trên những tấm bạt trải ra ngay nền đất, rồi thì quầy thịt, sọt hoa quả cũng đua nhau bày ngổn ngang. Người mua, kẻ bán thi nhau trả giá, gây nên tình trạng lộn xộn, ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân gần đó.
Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường không phải chỉ diễn ra ngày một ngày hai mà từ nhiều năm nay đã trở thành vấn nạn khó dẹp bỏ. Trên khắp các con đường từ khu vực trung tâm đến ngoại thành, tình trạng này luôn tồn tại gây nên nhiều hệ lụy về mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị... Thực tế, khi lực lượng chức năng tổ chức ra quân kiểm tra về vi phạm trật tự đô thị tại TP Thanh Hóa thì tình trạng này được dẹp bỏ, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng thì lại đâu vào đấy.
Ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị TP Thanh Hóa cho biết: Trong 9 tháng năm 2020, lực lượng chức năng của thành phố đã xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai kiểm tra, xử lý 1.490 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị; giải tỏa 48 điểm chợ cóc, chợ tạm; tạm giữ gần 2.000 tang vật các loại gồm: Biển quảng cáo, ô dù, bàn ghế, phông bạt..., giải tỏa 14 tuyến đường vi phạm an toàn hành lang đường bộ; tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố xử phạt hành chính về vi phạm trật tự đô thị với số tiền gần 165 triệu đồng... Tuy nhiên, đến nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân của tồn tại trên là do bên cạnh một số đơn vị phường, xã có hành động quyết liệt trong việc quản lý trật tự đô thị thì vẫn còn một số nơi, công tác chỉ đạo chưa cương quyết dẫn đến việc xử lý chưa chặt chẽ. Việc duy trì lực lượng quản lý, giám sát tại các điểm giải tỏa không diễn ra thường xuyên nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh buôn bán, họp chợ vẫn tái đi tái lại, nhất là vào những giờ cao điểm trong ngày.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt từ các xã, phường và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật từ phía người dân. Có như vậy mới thực sự chấm dứt được những vi phạm dai dẳng kéo dài về trật tự đô thị trong thành phố.