Dai dẳng tình trạng ngập lụt đô thị
Hễ mưa kéo dài là đô thị thường ngập lụt đến nay không còn chuyện lạ; trong đó TP. Huế cũng không ngoại lệ.
Thời gian gần đây, ở TP. Huế mỗi khi mưa lớn kéo dài là ngập lụt. Đáng nói, chuyện ngập lụt ở TP. Huế ngày càng dày, càng tăng với phạm vi rộng, gây khó khăn trong sinh hoạt, đời sống của người dân.
Qua tổng hợp của cơ quan chức năng, các khu vực thường bị ngập lụt ở TP. Huế khi có mưa lớn kéo dài là khu vực bắc và nam sông Hương. Tại nam sông Hương, khu vực phường Vỹ Dạ thường bị ngập nước khi có mưa và mức nước sông Hương lên cao. Khu vực phường Phú Hội ở đoạn đầu của đường Bến Nghé - Hùng Vương, các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Trần Quang Khải vẫn hay bị ngập lụt khoảng 0,5m.
Khu vực các phường Xuân Phú, An Đông là nơi bị ngập lụt nặng nhất khi có mưa lớn, do địa hình tự nhiên thấp. Ở khu vực này vừa được đầu tư nâng cấp một số tuyến đường, nhưng vẫn chưa giải quyết tình trạng hễ mưa lớn là ngập.
Khu vực phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, An Cựu ít khi bị ngập lụt khi có mưa lớn, nhưng một số tuyến đường như Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thị Minh Khai, ngã ba Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương vẫn bị ngập nước từ 0,2 - 0,5m.
Ở khu vực phường Phường Đúc thường bị ngập lụt cục bộ trên tuyến đường Bùi Thị Xuân. Đáng nói hơn ở phường Thủy Xuân, nằm ở phía tây TP. Huế, là khu vực vùng cao ven đồi thế nhưng dịp mưa lớn vào tối 14/11 vừa qua làm cho các khu dân cư nơi đây bị ngập lụt cục bộ, nhất KQH Bàu Vá lần đầu tiên nước ngập đường từ 0,3-0,4m.
Mưa lớn kéo dài làm cho giao thông ở TP. Huế bị chia cắt tạo ra sự bất tiện, nhất là QL1A tại cửa ngõ bắc - nam TP. Huế, các Tỉnh lộ 28A, 10A… kết nối với thị xã Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang… những tuyến đường có lượng người, phương tiện qua lại rất lớn.
Không ít câu hỏi của nhiều người, vì sao TP. Huế cứ dai dẳng bị ngập lụt mỗi khi mưa lớn kéo dài được đặt ra. Theo các ban, ngành, cơ quan chức năng địa phương là do thời tiết ngày càng cực đoan, mưa xuất hiện với tần suất lớn, lượng mưa vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó là năng lực tiêu, thoát lũ của hệ thống sông và trữ nước tự nhiên bị suy giảm; hệ thống thoát nước đô thị còn nhiều hạn chế… Một số nguyên nhân khác là do quá trình đô thị hóa, mật độ dân cư lớn, quy hoạch hạ tầng chưa tính đến phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiều vị trí vốn là nơi thu nước, thoát nước tự nhiên nhưng đã bị bồi lấp hoặc bị điều chỉnh thiếu hợp lý. Đơn cử như ở các cống thoát nước trên QL1A ở cửa ngõ phía nam TP. Huế là hệ thống tiêu nước ở khu vực phía tây nam TP. Huế ra đô thị đông nam Thủy An, khu đô thị An Vân Dương. Hoặc có những nơi thay vì nên điều chỉnh nâng cốt nền thì vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ.
Trước thực trạng trên, TP. Huế đang tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường và các hệ thống thoát nước ở trên địa bàn. Đối với khu đô thị mới, như đông nam Thủy An, An Vân Dương tập trung hoàn thiện hệ thống kênh, thoát nước theo quy hoạch với kinh phí 1 phần từ nguồn vốn dư của dự án các đô thị loại II (đô thị xanh - Green City). Sở Xây dựng cũng đang chủ trì nghiên cứu để có giải pháp thoát lũ bền vững cho đô thị; trong đó chú ý đến khu vực phía đông, như điều chỉnh cao độ, cốt nền, xây dựng kênh thoát lũ, thích ứng với tình hình BĐKH, đảm bảo cho TP. Huế phát triển bền vững.