Đại dịch COVID-19: Cơ hội để Việt Nam giữ được người giàu ở trong nước khám chữa bệnh

Với những thành công bước đầu của Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống COVID -19, nhiều ý kiến cho rằng nước ta là điểm đến tin cậy, an toàn để người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài đến chữa bệnh.

Để hiểu rõ hơn về điều này, PV báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, với thành công của cuộc chiến chống dịch COVID -19 vừa qua, Việt Nam đã được đánh giá cao trên mọi mặt, đặc biệt là y tế Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Trước đây, nhân loại đã chứng kiến nhiều vụ đại dịch lớn đã khiến nhiều người phải mất mạng. Nhưng với đại dịch COVID -19, có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một diễn biến dịch rất đặc biệt. Bởi sự lây lan mang tính toàn cầu trong một hoàn cảnh thế giới phẳng mọi sự giao lưu thông thương vận chuyển từ hàng hải, hàng không phát triển… Cũng vì thế, việc chống dịch COVID-19 không chỉ là của Việt Nam mà của toàn thế giới. Trong bối cảnh mà nhiều nước “loay hoay” tìm hướng đi chống dịch, thì Việt Nam với kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003 cùng với sự lãnh đạo kịp thời của Nhà nước, chúng ta đã chọn hướng đi đúng nhất để giảm thiệt hại nhiều nhất trong đại dịch COVID -19 này. Chúng ta đã lựa chọn chống dịch một cách thông minh với một nguồn lực khiêm tốn và hạn chế. Và, có thể khẳng định thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã giúp chúng ta có một diện mạo mới trong mắt cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Điều này thể hiện không chỉ ở việc ngăn chặn số lượng ca mắc, mà chúng ta còn làm được một việc rất đặc biệt là điều trị khỏi nhiều trường hợp nặng. Tất cả những điều đó tạo nên bức tranh toàn cảnh của nền y tế Việt Nam có đủ khả năng, tự tin để đối thoại với các nước khác trên thế giới. Nó cũng làm cho niềm tin của người dân với hệ thống y tế tốt lên rất nhiều. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả chính các cán bộ nhân viên y tế cũng cảm thấy tự tin hơn, không bị mặc cảm.

PV: Ông có cho rằng đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá về y tế nhằm thu hút bệnh nhân người nước ngoài cũng như Việt kiều và giữ chân người Việt Nam có điều kiện kinh tếkhông ra nước ngoài chữa bệnh?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu:Tôi khẳng định thời điểm này là cơ hội rất lớn chúng ta phải nắm bắt. Bởi lẽ, có những lý do sau đây:

Thứ nhất, với những người Việt Nam có điều kiện thì trong bối cảnh dịch như hiện nay họ không thể đi đâu được, ít nhất từ nay đến cuối năm việc giao thương sẽ vẫn khó khăn, bệnh nhân muốn sang nước ngoài chữa bệnh cũng khó. Trong khi ở nước ngoài, họ cũng đang tập trung đối phó với dịch bệnh. Nên những người giàu hiện nay tìm đến các bệnh viện ở Việt Nam để thăm khám, điều trị.

Thứ hai, với những người Việt Kiều sau khi về nước để “tránh dịch”, sau khi những người này về nước họ sẽ sử dụng dịch vụ y tế Việt Nam, khi đã sử dụng họ sẽ cảm nhận được dịch vụ y tế của Việt Nam như thế nào?.

Ngoài ra, những nước lân cận xung quanh chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn về y tế, chúng ta có cơ hội vươn tay ra để giúp đỡ các bạn. Tôi cho rằng cơ hội thì nhiều tuy nhiên đạt được thành công hay không thì phía trước còn rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể những khó khăn, thách thức cần giải quyết để y tế Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình và thu hút bệnh nhân từ nước ngoài?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Như tôi đã nói, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, khó khăn nếu giải quyết được thì sẽ đạt thành công.

Khó khăn lớn nhất, theo tôi đó chính là các cơ chế để cho các bệnh viện công lập có thể tự chủ một cách công khai, minh bạch nhằm thu hút người bệnh có điều kiện kinh tế (bao gồm cả người nước ngoài, Việt kiều và người có điều kiện kinh tế). Theo đó, Bộ Y tế cần đưa ra những thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có cơ chế mạnh tay đầu tư vào trang thiết bị và dịch vụ để đón nhận đối tượng khách hàng đặc biệt này.

Tôi cũng biết, Bộ Y tế đã có Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”. Tôi cũng đã người trực tiếp tham gia góp ý vào đề án này. Tuy nhiên, ở thời điểm này khi dịch COVID -19 vẫn còn đang chưa kết thúc thì cần thêm một giải pháp phù hợp với thực tế hơn. Ví như việc chúng ta có thể ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút khách nước ngoài cũng như nâng cao uy tín của hệ thống y tế Việt Nam.

Mới đây, chúng tôi đã có buổi truyền hình trực tuyến đầu tiên với Camphuchia để giúp các bạn hỗ trợ chẩn đoán các ca bệnh khó thông qua công nghệ Telemedicine, Telehealth. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thu được nguồn ngoại tệ từ những hoạt động khám chữa bệnh từ xa đối với nước bạn. Hay những buổi tư vấn hoặc hội thảo trong đại dịch COVID -19 vẫn diễn ra qua Webinar, Zoom… đây là cơ hội rất lớn để chúng ta quảng bá đường lối đúng đắn của hệ thống y tế của chúng ta trong việc chống dịch, thì tại sao chúng ta không sử dụng công cụ này để quảng bá cho y tế Việt Nam, thu hút người giàu, người có tiền ở Việt Nam đừng ra nước ngoài chữa bệnh.

PV: Với những thành công trong cuộc chiến chống COVID -19, nhiều người cho rằng sắp tới, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng để người nước ngoài đến chữa bệnh. Theo ông, liệu rằng đánh giá này có “tự tin quá mức” không?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Như tôi đã nói ở trên, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc phát triển các giải pháp công nghệ thông tin để nâng cao vị thế y tế Việt Nam và thu hút nguồn ngoại tệ là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại chúng ta cũng đừng vội “tự tin quá mức”, như bạn nói, góc nhìn trong việc chúng ta chữa được COVID-19 sẽ thu hút người nước ngoài ùn ùn kéo đến Việt Nam chữa bệnh là điều không thể có.

Song, chúng ta có thể “giữ chân” người Việt Nam có điều kiện kinh tế ở lại Việt Nam chữa bệnh, tức là hạn chế người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, hạn chế “chảy máu” ngoại tệ từ hoạt động khám chữa bệnh. Đây là việc sớm nhất chúng ta nên làm trong thời điểm dịch COVID -19 diễn ra như thế này và hoàn toàn có thể khả thi vì thực tế người bệnh không thể đi đâu được trong bối cảnh như hiện nay. Chúng ta phải làm tốt để dù sau khi đại dịch kết thúc, người đang chữa bệnh ở Việt Nam có thể “bay” ra nước ngoài nhưng họ lại không muốn đi nữa vì họ đã có đánh giá tốt về dịch vụ y tế Việt Nam sau khi đã sử dụng.

PV: Có ý kiến cho rằng, lý do khiến người Việt Nam có tiền ra nước ngoài chữa bệnh chưa hẳn là trình độ y bác sĩ Việt Nam kém mà vì chất lượng phục vụ chưa tốt. Ông đánh giá thế nào về điều này, và đâu là lời giải cho bài toán thu hút những bệnh nhân “có điều kiện kinh tế?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi, chuyên môn của bác sĩ là quan trọng nhất. Bởi, nói thẳng ra không ai đến BV để ngủ trong một khách sạn 5 sao cả. Do đó, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng chuyên môn và chứng tỏ sự chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, cái mà người dân lo lắng nhất đó là sự không chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp thể hiện ở những việc như đề nghị xét nghiệm đúng chỉ định, không lạm dụng chỉ định, chẩn đoán bệnh rất tường minh; Chỉ định can thiệp phẫu thuật rõ ràng, không lạm dụng chỉ định thì khách hàng sẽ tin tưởng. Còn việc nâng cao chất lượng dịch vụ thì tôi cho rằng không khó.

Khi chúng ta thu hút được người bệnh đến với mình vì chuyên môn thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ là bước tiếp theo không khó khăn. Cái khó nhất hiện nay là cơ chế để cho các bệnh viện có thể tự chủ một cách hoàn toàn rõ ràng minh bạch.

Thực tế, dư luận vẫn lo ngại là khi giao quyền tự quyết cho các bệnh viện thì các giám đốc BV sẽ mải lo kiếm tiền mà quên đi những bệnh nhân nghèo không có khả năng sử dụng dịch vụ. Hãy đừng coi tất cả các ông giám đốc BV là người chỉ biết thu tiền hưởng lợi. Bởi, hiện nay, đặc biệt là trong dịch COVID -19 này người ta thấy vai trò của công nghệ thông tin rất quan trọng, Nhà nước có thể quản lý hoàn toàn được các hoạt động của các bệnh viện thông qua hệ thống CNTT. Người nghèo vẫn được hưởng lợi từ hệ thống BHYT cũng như phúc lợi xã hội của Việt Nam và việc này vẫn được giám sát.

Nhưng cũng cần đặt vấn đề ngược lại bệnh nhân có điều kiện, họ mong muốn được hưởng dịch vụ xứng đáng thì tại sao chúng ta không cho cơ chế để các bệnh viện hướng đến nhóm khách hàng này?

Chính vì vậy theo tôi, cần phải xây dựng giá dịch vụ đi kèm với tiêu chuẩn cho những đối tượng là người nước ngoài, Việt kiều và người Việt Nam có điều kiện kinh tế. Ví dụ như muốn thu một giường bệnh 3 triệu thì phải có bao nhiêu m2, tiêu chuẩn thế nào, giá dịch vụ là bao nhiêu khi đòi hỏi bác sĩ khám chữa bệnh với trí tuệ cũng như kinh nghiệm của người bác sĩ. Cần trả công đúng sức lao động của họ. Không thể nào mà một ca mổ phức tạp đòi hỏi nhiều công sức trí tuệ của y bác sĩ nhưng chỉ được thu mấy triệu đồng mà không thể thu vượt giá trần.

Do đó, tôi rất mong muốn cần có thông tư hướng dẫn cụ thể để giao quyền cho Giám đốc bệnh viện. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có có cơ chế thanh kiểm tra giám sát để tránh việc lạm dụng quyền lực trong quản lý bệnh viện. Việc này, tôi nghĩ không khó với hệ thống ứng dụng CNTT như hiện nay.

Nên và cần thiết có những bệnh viện trong danh sách của BYT được xác nhận có đủ điều kiện thành lập khu khám chữa bệnh có điều kiện riêng biệt so với khu khám chữa bệnh thông thường để phục vụ cho các đối tượng bệnh nhân này.

Hồng Nguyên (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dai-dich-covid-19-co-hoi-de-viet-nam-giu-duoc-nguoi-giau-o-trong-nuoc-kham-chua-benh-n174918.html