Đại dịch Covid-19 đã thay đổi con người 'từ đầu đến chân' như thế nào?
Cơ thể con người có thể đang phải chịu đựng những tác động từ nhỏ đến lớn do đại dịch. Covid-19 đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, từ nỗi lo sợ lây nhiễm, mất đi người thân, giãn cách xã hội đến mất việc làm, khó khăn tài chính.
Tiến sĩ Ada Stewart, một bác sĩ gia đình ở Columbia, bang Nam Carolina và là chủ tịch Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đất nước chúng ta. Là một bác sĩ gia đình, tôi nhận thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân theo nhiều cách”.
NBC News đã chỉ ra những thay đổi trên cơ thể con người mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.
Não bộ
Những lo ngại về đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lo lắng suốt đêm. Đối với một số người, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) công bố ngày 11/3, gần 1 trong 4 người trưởng thành (chiếm 23%) cho biết, họ uống nhiều rượu hơn khi đối mặt với những căng thẳng trong đại dịch.
Một cuộc khảo sát 5.000 người trưởng thành Mỹ được thực hiện vào tháng 9/2020 và công bố vào tháng 2/2021 cho thấy, các triệu chứng sức khỏe tâm thần ở người Mỹ đã gia tăng đáng kể. Trong đó, 33% người tham gia khảo sát có triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm, 30% có triệu chứng sang chấn tâm lý và căng thẳng, 15% sử dụng chất kích thích nhiều hơn và 12% cho biết họ đã nghĩ đến việc tự tử.
43% số người được hỏi báo cáo ít nhất một trong những triệu chứng sức khỏe tâm thần, con số gấp đôi số liệu trước đại dịch, Tiến sĩ Ken Duckworth, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Đại học Harvard ở Boston cho biết.
“Sức khỏe tâm thần của người Mỹ nhìn chung trở nên tồi tệ hơn. Những kết nối giữa con người là liều thuốc chống trầm cảm và chống lo âu”, Tiến sĩ Ken Duckworth nói.
Theo NBC News, rất khó để bộ não ngủ đủ giấc. 67% người Mỹ trưởng thành cho biết, họ đang ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn mong muốn kể từ khi đại dịch bùng phát, theo của thăm dò của APA.
Đồng thời, nghiên cứu của APA công bố và nhiều nghiên cứu thực hiện trên thế giới chỉ ra rằng, giấc mơ của mọi người thường bị ám ảnh bởi tâm lý lo lắng và những cảm xúc tiêu cực.
Da và tóc
Ảnh hưởng của đại dịch đã dẫn đến những thay đổi trên da và tóc của mọi người. Một trong những tác động được nhắc đến nhiều nhất là “maskne”, thuật ngữ chỉ tình trạng mụn trứng cá và kích ứng trên da mặt xuất phát từ việc đeo khẩu trang.
Theo NBC News, rụng tóc có thể xuất phát từ căng thẳng hoặc thiếu hụt vitamin do thói quen ăn uống không đủ chất trong thời gian đại dịch. Căng thẳng và lo lắng thậm chí có thể làm trầm trọng thêm hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania).
Răng
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) thực hiện vào tháng 2 chỉ ra rằng, hơn 70% trong số gần 2.300 nha sĩ tại Mỹ cho biết, họ thấy sự gia tăng của tật nghiến răng, tình trạng thường liên quan đến căng thẳng, ở bệnh nhân trong đại dịch. Hơn 60% nha sĩ cũng báo cáo sự gia tăng các tình trạng về răng miệng khác có thể do căng thẳng, bao gồm răng bị sứt mẻ hoặc nứt và các triệu chứng rối loạn khớp như đau hàm và đau đầu.
Ruchi Sahota, nha sĩ ở thành phố Fremont, bang California và là người phát ngôn của ADA cho biết, việc bỏ lỡ các cuộc hẹn khám răng trong thời gian đại dịch là một yếu tố gây ra các vấn đề về răng. Nhiều người không đến nha sĩ trong thời gian đại dịch do lo ngại lây nhiễm SARS-CoV-2.
Lưng và cổ
Khi văn phòng phải đóng cửa do đại dịch, những người làm việc ở nhà bắt đầu sử dụng máy tính xách tay ở mọi nơi trong nhà, từ bếp, ghế sofa cho đến giường ngủ. Ngay cả khi họ ngồi tại bàn làm việc ở nhà, máy tính có thể không được đặt đúng cách để ngăn ngừa việc đau lưng, mỏi cổ và các chứng đau nhức khác có thể xảy ra do làm nhiều nhiều giờ trên máy tính ở tư thế sai.
Tim
Stewart, bác sĩ gia đình ở Nam Carolina cho biết, những bệnh nhân bị bệnh tim không ăn kiêng và tập thể dục trong thời gian đại dịch hoặc bỏ qua các cuộc hẹn khám bệnh để theo dõi huyết áp và cholesterol có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
“Một trong những điều tôi thấy và nhiều đồng nghiệp của tôi cũng chứng kiến đó là sự tồi tệ của nhiều căn bệnh mãn tính. Người dân đã trì hoãn việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường khi không đến phòng khám hoặc tới hiệu thuốc mua thuốc do lo sợ nhiễm virus”, bác sĩ Stewart nói.
Cơ bắp
Khi các phòng tập thể dục và các trung tâm giải trí đóng cửa hoặc chỉ mở cửa với số lượng người hạn chế trong thời gian đại dịch, việc tập thể dục là một thách thức đối với mọi người.
Bác sĩ Stewart nhận thấy tình trạng giảm thể lực ở một số bệnh nhân của bà, những người đã từng tiến triển tốt trước đại dịch. Bà Stewart đã không tới phòng tập thể dục trong một năm, thay vào đó là tập luyện với các thiết bị thể dục tại nhà.
“Thời gian ngồi nhiều ở nhà có thể làm suy yếu phần lưng, thậm chí dẫn đến một hội chứng nghiêm trọng mang tên ‘hội chứng mông chết’ (dead butt syndrome)”, bà Stewart nói.
Cân nặng
Một số người ở nhà trong đại dịch có thể đã giảm cân do họ không ăn ở bên ngoài nhiều và dành thời gian để nấu những bữa ăn lành mạnh cũng như tập thể dục thường xuyên tại nhà. Tuy nhiên, đối với nhiều người khác thì ngược lại, đại dịch Covid-19 có tác động đáng kể tới cân nặng của người dân tại Mỹ.
Theo khảo sát của APA, hơn 6/10 người Mỹ nói rằng, họ đã có những thay đổi về cân nặng kể từ khi đại dịch bùng phát.
Một cuộc khảo sát quốc tế lớn với hơn 7.700 người trưởng thành vào tháng 4/2020 cho thấy, 27% nói rằng đã tăng cân kể từ khi đại dịch bùng phát, con số này đã tăng lên 33% ở những người đã béo phì. Trong khi đó, chỉ 20% nói rằng họ đã giảm cân trong đại dịch.
Theo NBC News, tăng cân là điều không đáng ngạc nhiên khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà để làm việc trên máy tính, xem TV, nướng bánh và ăn vặt, đồng thời, nhiều phòng tập thể dục đã đóng cửa do lo ngại dịch bệnh lây lan.
Tiến sĩ Jacqueline Fincher, bác sĩ ở thành phố Thomson, bang Georgia cho biết, bà thấy bệnh nhân của mình tăng cân nhiều hơn, đặc biệt là kể từ mùa thu. “Khi mùa thu và mùa đông đến, chúng ta không thể ra ngoài thường xuyên và hoạt động nhiều”, bà Fincher nói.
Đôi chân
Những người phụ nữ đã từ bỏ việc đi giày cao gót trong thời gian đại dịch Covid-19 có thể có đôi chân “hạnh phúc” hơn. Theo Tiến sĩ Jane Andersen, bác sĩ nhi khoa ở Bắc Carolina và là người phát ngôn của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, những người thường xuyên đi lại trong nhà bằng chân trần hoặc đi tất cũng có nguy cơ gặp phải các vấn đề về chân như đau gót chân và viêm gân.
Tiến sĩ Andersen khuyến cáo, những người mắc bệnh tiểu đường nên chú ý nhiều hơn đến các vấn đề về chân trong đại dịch và nên kiểm tra bàn chân hàng ngày.
Mang giày đi trong nhà có thể giữ bảo vệ đôi chân khỏi những chấn thương như va đập ngón chân. Theo Tiến sĩ Andersen, gãy ngón chân là tình trạng mà bà và các đồng nghiệp thường thấy ở những người đi chân trần trong nhà./.