Đại dịch Covid-19 đẩy 1/3 lượng máy bay trên thế giới vào thị trường cho thuê
Ngành công nghiệp hàng không đã phải hứng chịu đòn giáng trực tiếp từ virus SARS-CoV-2, với ước tính khoảng 8.600 máy bay - một phần ba đội bay toàn cầu - phải nằm chờ ở sân bay trong mùa cao điểm cho các kỳ nghỉ.
Đại dịch đẩy 1/3 lượng máy bay trên thế giới vào thị trường cho thuê. Ảnh: Reuters
Theo Cirium, một công ty phân tích hàng không của Vương quốc Anh, có tổng cộng 383 máy bay đã đứng yên tại Trung tâm Hàng không Quốc tế Roswell ở New Mexico, được biết đến là một "xưởng máy bay".
Con số này gia tăng mạnh mẽ từ con số 103 vào đầu năm nay. Nhiều công ty hàng không của Mỹ đang đậu những chiếc Boeing 737 và 777 tại Roswell với mức phí từ 10 đến 14 đô la một ngày.
Khi các công ty hàng không trên thế giới giảm chuyến bay, họ buộc phải cất máy bay tại các bãi đậu như Roswell.
Cirium tính toán số lượng máy bay phải nằm chờ như vậy là 8.600 chiếc vào giữa tháng 8, tương đương một phần ba đội bay toàn cầu.
Hơn nữa, nhu cầu đi lại không phục hồi nhanh chóng.
Dữ liệu từ công ty thông tin hàng không Anh OAG cho thấy ở châu Âu, nơi các hạn chế về di chuyển đã được nới lỏng, các chuyến bay quốc tế trong tuần thứ ba của tháng 8 vẫn ít hơn khoảng 60% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr cho biết 200 máy bay trong tổng số 760 máy bay của hãng vẫn sẽ phải nằm phơi sương vào năm 2022. Cũng bày tỏ sự bi quan là Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun, người cho biết sẽ mất ba năm để nhu cầu của hành khách phục hồi.
Tình trạng dư thừa máy bay sẽ là gánh nặng tiếp tục cho ngành hàng không.
IBA, một công ty tư vấn và dữ liệu hàng không của Anh, cho biết 34 hãng hàng không đã thất bại và con số cuối cùng trong năm nay có thể lên tới 70. Con số năm 2019 là 27.
Ngoài ra, các công ty cho thuê máy bay đang bị ảnh hưởng bởi các công ty hàng không đang yêu cầu các công ty cho thuê giảm chi phí. "Tất cả các công ty hàng không trên thế giới đang yêu cầu mức giá thuê thấp hơn", một nguồn tin tại một công ty cho thuê Nhật Bản cho biết.
Ngành công nghiệp cho thuê thường thanh toán chi phí ban đầu của một chiếc máy bay và là một trong những trụ cột của tăng trưởng ngành hàng không, hỗ trợ các hãng hàng không giá rẻ. Hiện tại, một nửa đội bay toàn cầu thuộc sở hữu của các công ty cho thuê.
Các đơn đặt hàng chế tạo máy bay mới cũng giảm: Hơn 500 đơn đặt hàng máy bay Boeing và Airbus đã bị hủy bỏ kể từ tháng Ba. Một trong số đó là của Avolon, một công ty cho thuê của Ailen do Bohai Leasing của Trung Quốc sở hữu 70% và Tập đoàn Orix của Nhật Bản sở hữu 30%. Công ty đã hủy hơn 100 máy bay kể từ khi đại dịch bùng phát.
Vào năm 2019, 4,5 tỷ người đã đi du lịch trên toàn cầu, đánh dấu mức tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua. Tạo tiền đề cho sự tăng trưởng đó là quá trình tư nhân hóa các hãng vận tải quốc doanh và bãi bỏ quy định trong ngành hàng không.
Nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể thúc đẩy các chính phủ trên khắp thế giới cứu trợ các hãng hàng không, có khả năng dẫn đến ảnh hưởng và kiểm soát của nhà nước nhiều hơn đối với ngành và gây nguy hiểm cho nền tảng tăng trưởng trong quá khứ.
Mark Manduca, nhà phân tích tại Citigroup cho biết: “Chúng ta có thể thấy phần lớn các hãng hàng không đường dài toàn cầu sẽ trải qua quá trình quốc hữu hóa dần dần, để lại một tập hợp các hãng hàng không hoàn toàn phục vụ các mục đích của chính phủ".