Đại dịch Covid-19 đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, thế giới phải đối mặt với một nguy cơ mới, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Bảo đảm an ninh lương thực đang là vấn đề cấp bách toàn cầu.
Mới đây, Giám đốc điều hành phụ trách chính sách phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) Mari Pangestu cho rằng, dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải "bế quan tỏa cảng". Lựa chọn này đã làm sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ phía các nhà hàng và người tiêu dùng, khiến nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, một số người cho rằng việc vứt bỏ cây trồng còn kinh tế hơn việc duy trì sản xuất.
Đồng quan điểm với WB, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng lo ngại dịch Covid-19 sẽ mang đến những vấn đề phức tạp đối với an ninh lương thực, nhất là vấn đề điều phối và thương mại toàn cầu. Trước đó, theo báo cáo của tổ chức này, nếu đại dịch không xảy ra, thị trường ngũ cốc toàn cầu trong năm 2019-2020 sẽ duy trì ở trạng thái tốt.
Chuyên gia kinh tế của FAO, ông Maximo Torero cảnh báo, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là các chính phủ hạn chế xuất khẩu thực phẩm để ưu tiên cung cấp trong nước. Việc đóng cửa xuất khẩu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực vì thiếu hụt nguồn cung và tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Khi toàn bộ chuỗi sản xuất bị gián đoạn và tình trạng thất nghiệp gia tăng, những người dễ bị tổn thương nhất là lao động công nhật, người buôn bán nhỏ và lao động phi chính thức.
Trên thực tế, nguy cơ này đã bắt đầu xuất hiện. Nga - nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới cho biết sẽ tạm dừng xuất khẩu ngũ cốc đến ngày 1-7. Lo sợ thiếu hụt lương thực, Ai Cập - quốc gia nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới đã phải cấp tốc đặt mua 180.000 tấn lúa mì của Nga để dự trữ.
Hiện nay, giá một số loại lương thực, thực phẩm bắt đầu tăng do nhu cầu mua cao đột biến. Giá giao dịch lúa mì ở Chicago (Mỹ) tăng 15% kể từ giữa tháng 3-2020, trong khi giá thịt bò và trứng cũng có xu hướng đi lên.
Giá gạo cũng đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 7 năm qua, giữa bối cảnh người dân đổ xô tích trữ lương thực. Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng hạt dài 5% tấm đã tăng 12% trong giai đoạn từ ngày 25-3 đến 1-4.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, năm 2019, có 135 triệu người ở 55 quốc gia phải chung sống với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hoặc tình trạng nhân đạo khẩn cấp. Nguyên nhân là do các cuộc xung đột, cú sốc kinh tế và các yếu tố liên quan đến thời tiết. Đây là con số cao nhất trong 4 năm gần đây.
Tuy nhiên, kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong năm nay vì tác động của đại dịch Covid-19. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) dự báo, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể tăng gần gấp đôi, lên tới 265 triệu người.
An ninh lương thực vốn được coi là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. Đây cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia.
Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, đứng trước thách thức quy mô toàn cầu, chỉ có hợp lực cùng hành động với những chính sách đúng đắn thì thế giới mới có thể tránh được kịch bản tồi tệ đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm triệu người.