Đại dịch Covid-19: Đông Nam Á tránh lặp lại 'vết xe đổ' của Nam Á
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, với những kỷ lục buồn về số ca nhiễm và tử vong ở Malaysia, Thái Lan, khiến hệ thống y tế tê liệt và đe dọa các nền kinh tế.
Liên tục trong những tuần qua, số trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Đông Nam Á tăng mạnh. Ngày 30/5, Malaysia báo cáo thêm 6.999 trường hợp nhiễm mới, một ngày sau khi nước này ghi nhận kỷ lục hơn 9.000 trường hợp và gần 100 người tử vong vì Covid-19 hôm 29/5. Nhìn chung, số ca nhiễm mới ở Malaysia dao động ở mức từ 6.000 - 7.000 ca/ngày trong tuần qua, với tỷ lệ dương tính ở mức 194/triệu người - vượt qua mức 178/triệu người ở Ấn Độ.
“Hãy giúp chúng tôi cứu hệ thống y tế quốc gia sắp bị tê liệt nếu không kiểm soát được các ca bệnh gia tăng”- Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah nói trên Facebook hôm 29/5, kêu gọi người dân ở nhà. Một lệnh phong tỏa 2 tuần kể từ ngày 1/6 sẽ được áp dụng đối với tất cả các hoạt động kinh tế và xã hội ở quốc gia Đông Nam Á này. Lần phong tỏa toàn quốc trước đó của Malaysia diễn ra hồi tháng 3/2020. Tác động của dịch Covid-19 khiến kinh tế Malaysia sụt giảm 5,6% trong năm ngoái.
Cùng ngày, giới chức y tế Thái Lan đã báo cáo thêm 4.528 ca nhiễm Covid-19 mới và 24 người chết, nâng tổng số người chết do Covid-19 ở nước này vượt mốc 1.000 người. Đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 154.307 trường hợp dương tính, trong đó số ca nhiễm trong các trại giam nước này đặc biệt tăng nhanh. Riêng trong ngày 30/5, số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận trong các trại giam là 2.626 người. Ước tính , số ca nhiễm tại Thái Lan đã tăng gấp 4 lần chỉ trong đợt dịch lần 3 này.
Trên khắp Đông Nam Á, số ca tử vong do Covid-19 hiện đã lên tới gần 80.000 người. Tuy nhiên con số thực sự có thể cao hơn vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị, Myanmar hiện không cập nhật số người nhiễm Covid-19 hàng ngày một cách nghiêm ngặt như trước. “Khi nói đến số ca nhiễm Covid-19, Thái Lan và Malaysia sẽ đứng đầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng 2 nước này có năng lực xét nghiệm cao và hệ thống y tế tốt. Với Campuchia, Lào và Myanmar, hệ thống y tế của họ không phát triển như vậy. Do đó số ca nhiễm ngày càng tăng ở những nước này là một vấn đề đáng lo ngại”- TS Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) chia sẻ.
Trong khi một số chuyên gia khác nhận định, các kịch bản đang diễn ra ở Đông Nam Á có thể sẽ tương tự như những gì đã được chứng kiến ở Ấn Độ và Nepal nếu các quốc gia không kịp thời kiểm soát dịch. Chán nản vì đại dịch, nhiều người dân không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng dịch. Tại Malaysia, hàng nghìn người đã di chuyển giữa các bang trong lễ hội Hari Raya Aidilfitri vừa qua, bất chấp các quy định cấm đi lại, được cho đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Hay một dự báo rằng Indonesia có thể chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt lên đến 8.000 ca/ngày vào giữa tháng 6 này, khi 2,6 triệu người trở về các TP lớn sau kỳ nghỉ lễ Hari Raya.
Trước tình hình này, Chính phủ nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng cũng như nhanh chóng thông qua việc cấp phép mua vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên với tiềm lực khác nhau của mỗi nước trong khu vực, một dự báo của Economist Intelligence Unit công bố mới đây cho thấy, phải ít nhất tới cuối năm 2022, các nước Đông Nam Á mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, ý thức tự giác tuân thủ các biện pháp giãn cách của mỗi người dân càng cần được nêu cao, để tránh cho Đông Nam Á đi vào “vết xe đổ” dịch bệnh của Nam Á.