Đại dịch COVID-19 làm gia tăng nạn đói trên thế giới

Nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể vào năm ngoái, chủ yếu do tác động từ đại dịch COVID-19, theo một báo cáo đa cơ quan của Liên Hợp Quốc được công bố hôm thứ Hai (12/7).

Một tổ chức tình nguyện cứu trợ thực phẩm ở Chicago. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Kinh tế Triều Tiên ngày càng khó vì nạn đói trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Hơn 3 triệu người đối mặt nạn đói, Liên hợp quốc kêu gọi 106 triệu USD cứu trợ cho Myanmar

FAO: Hơn 34 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt nạn đói nghiêm trọng

Nạn đói tại Yemen: Những kẻ hiếu chiến không bao giờ đồng cảm với nỗi khổ người dân

Sau khi hầu như không thay đổi trong 5 năm, số người thiếu dinh dưỡng đã tăng lên khoảng 768 triệu người vào năm ngoái, tương đương 10% dân số thế giới và tăng khoảng 118 triệu người so với năm 2019, báo cáo cho biết.

Được ủy quyền bởi các cơ quan của Liên hợp quốc bao gồm Tổ chức Nông lương (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), báo cáo là đánh giá toàn diện đầu tiên về tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng kể từ khi đại dịch bùng phát.

"Thật không may, đại dịch tiếp tục bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống lương thực của chúng ta, đe dọa cuộc sống và sinh kế. Không khu vực nào trên thế giới tránh khỏi tác động này", các cơ quan cho biết trong một tuyên bố chung.

Ấn bản năm 2021 của "Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới" ước tính rằng theo xu hướng hiện nay, mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc không còn nạn đói vào năm 2030 sẽ không thể đạt mục tiêu khi sẽ vẫn còn 660 triệu người bị ảnh hưởng. Con số đó cao hơn 30 triệu so với kịch bản không xảy ra đại dịch.

Nhà kinh tế Arif Husain của WFP cho biết: "Những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng tôi đang trở thành sự thật. Việc đảo ngược tình trạng đói kinh niên ở mức cao như vậy sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ để giải quyết".

Đã có động lực ngoại giao được tăng cường trong năm nay để giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng ở các hội nghị thượng đỉnh sắp tới như Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc và Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho tăng trưởng. Nhưng báo cáo nhấn mạnh thách thức là rất lớn.

Số người không thể tiếp cận đủ lương thực quanh năm đã tăng thêm 320 triệu người lên con số 2,37 tỷ người vào năm ngoái, tương đồng với mức tăng 5 năm trước đó cộng lại.

Trong số 768 triệu người thiếu dinh dưỡng, 418 triệu người ở châu Á, 282 triệu người ở châu Phi và 60 triệu người ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Ở châu Phi, 21% người dân bị thiếu dinh dưỡng, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào khác.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: "Trong một thế giới nhiều thực phẩm, chúng ta không có lý do gì để hàng tỷ người không được tiếp cận với một chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là lý do tại sao tôi triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm toàn cầu vào tháng 9 này".

Ông nói thêm: "Đầu tư vào những thay đổi trong hệ thống thực phẩm của chúng tôi sẽ tạo ra sự chuyển dịch sang một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn, bền vững hơn. Đây là một trong những khoản đầu tư thông minh và cần thiết nhất mà chúng tôi có thể thực hiện".

Sau khi giảm trong vài thập kỷ, tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng kể từ giữa những năm 2010, đặc biệt là ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, khí hậu khắc nghiệt, suy thoái kinh tế hoặc đối mặt với bất bình đẳng thu nhập cao.

Giám đốc WFP, David Beasley cho biết trong khi 41 triệu người hiện đang có nguy cơ chết đói, tổng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú thế giới đang tăng khoảng 5,3 tỷ USD mỗi ngày, tương đương số tiền cần thiết để cứu sống những người đang chết đói trên toàn thế giới.

Hoàng Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-dich-covid-19-lam-gia-tang-nan-doi-tren-the-gioi-post144208.html