Đại dịch COVID-19 ngày 17/4: Mỹ sắp cán mốc 35.000 người chết
Đại dịch COVID-19 ngày 17/4: Mỹ sắp cán mốc 35.000 người chết, nhiều hơn 12.000 người so với nước có số người chết nhiều thứ hai trên thế giới do COVID-19 là Italy.
Mỹ sắp chạm mốc 35.000 người chết
Mỹ ghi nhận thêm 28.336 ca nhiễm mới và 2.109 người chết trong ngày 16/4, nâng tổng số ca nhiễm và trường hợp thiệt mạng lên 676.339 và 34.552. Dự kiến số người chết tại Mỹ sẽ sớm vượt mốc 35.000.
New York vẫn là bang chịu thiệt hại nặng nề nhất với 226.198 ca nhiễm, bằng 7 bang xếp sau cộng lại. Bang New York cũng chiếm gần một nửa số trường hợp thiệt mạng trên toàn nước Mỹ. Một số bang ở Mỹ hiện tại đang không đủ lực để xét nghiệm nhanh cho người dân, theo CNN.
Bang Missouri vừa nới rộng giãn cách xã hội đến ngày 3/5 để ngăn chặn dịch bệnh, dù số ca nhiễm bắt đầu tăng chậm lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép các bang tiếp tục phong tỏa, song khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện cho bất cứ bang nào muốn mở cửa trở lại.
"Các bang cần tiếp tục đóng cửa, chúng tôi cho phép họ làm điều đó, nhưng nếu các Thống đốc tin rằng đã đến lúc cần mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ cung cấp cho họ sự tự do và hướng dẫn cụ thể để hoàn thành mục tiêu này nhanh chóng, phụ thuộc vào việc họ muốn gì", ông Trump chia sẻ. "Chúng tôi sẽ không mở cửa tất cả cùng một lúc, mà phải đi từng bước cẩn thận".
Số ca nhiễm tại Pháp tăng mạnh
Số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 16/4 tại Pháp bất ngờ tăng lên 17.164 trường hợp, nhiều gấp 3-4 lần những ngày trước đây. Ngày 16/4 cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 13 ngày liên tiếp, tính từ ngày 3/4 với hơn 23.000 ca nhiễm mới.
Video: Cắt viện trợ cho WHO, vị thế của Mỹ có bị ảnh hưởng?
Tổng số người nhiễm virus corona chủng mới tại Pháp đã tăng lên 165.027 trường hợp, nhiều thứ tư thế giới, chỉ sau Mỹ, Italy và Tây Ban Nha. Nếu Pháp duy trì mức tăng hiện nay, quốc gia này sẽ vượt qua Italy và Tây Ban Nha để đứng số 1 châu Âu về số ca mắc COVID-19.
Số ca nhiễm tăng cũng khiến Pháp lo lắng trở lại sau gần một tuần với nhiều tín hiệu vui. Trước đó, Jerome Salomon, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp, khẳng định số người phải điều trị COVID-19 tại bệnh viện giảm sau 2 ngày liên tiếp, còn số ca phải điều trị tích cực giảm sau 8 ngày liên tiếp.
"Nỗ lực tập thể của Pháp đang chứng minh sự hiệu quả, sự lây lan của virus đang dần được khống chế ổn định, đây là tin tốt. Các ca nhiễm phải điều trị tích cực cũng gần như ngừng lại, dù vậy, con số 6.248 bệnh nhân nguy kịch vẫn nhiều hơn sức chứa tối đa ở các trung tâm điều trị tích cực tại Pháp", Salomon cho biết.
Anh phong tỏa đất nước thêm ít nhất 3 tuần
Nước Anh sẽ phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất 3 tuần sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 103.093 trường hợp. "Chúng ta đã đi quá xa. Chúng ta đã mất đi quá nhiều người yêu thương, phải hy sinh rất nhiều để xoa dịu tình hình và nhìn thấy nỗ lực hiện tại bắt đầu mang lại hiệu quả", ngoại trưởng Anh Dominic Raab chia sẻ.
Ông Raab cũng đang tạm thời thay thế Thủ tướng Boris Johnson để điều hành đất nước sau khi ông Johnson phải nhập viện điều trị COVID-19.
"Chính phủ Anh quyết định biện pháp hiện tại sẽ được duy trì thêm ít nhất 3 tuần. Sự lơi là với bất kỳ biện pháp nào cũng gây nguy cơ tổn thất đến cả sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế", ông Raab khẳng định. Anh đang là nước có số người chết do COVID-19 nhiều thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Pháp.