Đại dịch Covid-19: Nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế ở các nước nghèo
Ngày 4-4, Liên minh Nghiên cứu lâm sàng Covid-19 gồm hơn 70 cơ quan khoa học đã gửi thư lên tạp chí y học nổi tiếng The Lancet cảnh báo, các nước nghèo cần được tiếp cận với nghiên cứu về dịch Covid-19 để tránh cho hệ thống chăm sóc y tế sụp đổ.
Dễ tổn thương
Liên minh trên gồm các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế công cộng và nhà nghiên cứu. Liên minh cho biết sẽ tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận dữ liệu nghiên cứu để ứng phó phù hợp với dịch bệnh. Liên minh cũng sẽ tạo điều kiện phê chuẩn nhập khẩu nhanh các thiết bị y tế và đẩy nhanh việc đánh giá thường kỳ như trong đợt dịch Ebola năm 2014. Việc này sẽ đi cùng với chia sẻ dữ liệu hàng loạt và phổ biến nghiên cứu trước khi có đánh giá chuyên môn.
Bức thư nêu rõ, sự lo ngại của các chuyên gia y tế không chỉ ở góc độ dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng nhiều người ở các nước nghèo, mà sẽ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại như nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các nhà khoa học còn cho biết, hàng trăm triệu người sống trong tình trạng thiếu nước sạch và mất vệ sinh, quá đông người tập trung ở các đô thị gây khó khăn cho việc thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả, nên thách thức đối với các nước nghèo càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế không có thiết bị phòng hộ cần thiết, không được huấn luyện để xử lý các bệnh truyền nhiễm. Các tác giả của bức thư cảnh báo sự đứt quãng hoặc sụp đổ hoàn toàn hệ thống chăm sóc y tế sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh.
Nghiên cứu mới về khẩu trang
Một kết quả nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, sử dụng khẩu trang y tế sẽ làm giảm số lượng các virus cúm phát tán ra môi trường bên ngoài thông qua hơi thở và ho. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature trong bối cảnh đã có hơn 1,1 triệu người trên thế giới với hơn 61.000 người tử vong do Covid-19.
Giáo sư Benjamin Cowling, người đứng đầu nghiên cứu này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với trung tâm nghiên cứu dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, việc dùng các khẩu trang bằng chất liệu vải cotton đơn giản đem lại hiệu quả rõ rệt trong phòng dịch. Chuyên gia của WHO nhấn mạnh, việc sử dụng khẩu trang, khẩu trang tự chế hoặc khẩu trang vải ở cấp độ cộng đồng có thể giúp ích trong phản ứng toàn diện đối với căn bệnh này.
Ông Rupert Beale, chuyên gia về sinh học lây nhiễm thuộc Viện Francis Crick tại London cho rằng, nghiên cứu trên đã đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ và thuyết phục cho việc đeo khẩu trang như một cách để giảm bớt sự lây truyền một số loại virus. Theo ông R.Beale, đeo khẩu trang không hoàn toàn ngăn ngừa được sự truyền nhiễm và không thể chỉ dựa trên một biện pháp mà phải kết hợp với các biện pháp khác như giãn cách xã hội mới hiệu quả.
Mỹ hiện đang là tâm dịch Covid-19 của thế giới với hơn 280.000 ca nhiễm và gần 7.500 ca tử vong. Đại dịch hoành hành khiến nhiều người dân Mỹ ngày càng ý thức hơn về vai trò của khẩu trang và việc bảo vệ khu vực mũi, miệng trong việc ngăn ngừa lây nhiễm. Người dân tại vùng tâm dịch New York giờ không chỉ đeo khẩu trang mà tận dụng cả khăn quàng cổ, khăn tay để che mũi, miệng do nguồn vật tư y tế thiếu thốn. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã thông báo những hướng dẫn mới của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, theo đó khuyến cáo người dân dùng khẩu trang nơi công cộng với tinh thần tự nguyện, đồng thời khẳng định không nên coi khuyến nghị mới này là biện pháp thay thế cho “giữ khoảng cách xã hội” được đưa ra trước đó.