Đại dịch Covid-19 phơi bày bất bình đẳng giữa các nước giàu và nước nghèo
Khi các nhà hàng ở Mỹ và châu Âu đã bắt đầu mở cửa trở lại, thì ở Ấn Độ, người dân đang phải chật vật để có từng bình oxy. Sự khác biệt chưa bao giờ rõ ràng đến thế.
Ở phần lớn những nước phát triển, các đơn đặt hàng vaccine ngừa Covid-19 lên tới hàng tỷ liều, các ca mắc Covid-19 dần giảm xuống, nền kinh tế đã phần nào trở lại bình thường và người dân có thể chào đón những kỳ nghỉ hè sắp tới.
Trong khi đó, ở những nước kém phát triển hơn, dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, thậm chí có nơi còn vượt tầm kiểm soát, trong khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp ngay cả với những nhóm có nguy cơ cao nhất.
Sự khác biệt chưa bao giờ rõ ràng đến thế.
Bất bình đẳng khiến các nước nghèo không mua được vaccine
Năm 2020, khoảng 192 nước đã tham gia COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu, và quỹ Gates đã đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất vaccine cho những nước nghèo nhất thế giới.
Tháng 6/2020, một lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu từng tuyên bố rằng: “Tiêm chủng vaccine là quyền cơ bản của con người”.
Tuy nhiên, khi virus lây lan ngày càng nhanh chóng, đặc biệt ở Nam Mỹ và Ấn Độ, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đã có sự khác biệt.
Trước đại dịch, Ấn Độ là một trong những nước cung cấp vaccine hàng đầu thế giới, nhưng nay, nước này đã phải dừng xuất khẩu vaccine vì đang chìm trong làn sóng Covid-19 thứ 2 với hàng trăm ca mới mỗi ngày. Điều này cũng đã ảnh hưởng tới kế hoạch phân bổ vaccine trên toàn cầu, bởi Ấn Độ là nhà cung cấp chính cho COVAX.
Ở Brazil, nơi có tới hàng nghìn người tử vong mỗi ngày, giới chức mới chỉ nhận được 10% số vaccine AstraZenena mà nước này được cam kết bàn giao đến giữa năm.
Ở các nước như Ghana và Bangladesh, nơi đã cạn kiệt nguồn vaccine được cung cấp ban đầu, những người may mắn được tiêm mũi đầu tiên cũng không biết chắc khi nào họ sẽ được tiêm mũi thứ 2.
“Đó là một vấn đề về đạo đức. Đây là điều mà các nước giàu cần phải nghĩ tới. Đó là lương tâm của họ, là cách mà họ định nghĩa chính mình”, thBoston Zimba, bác sỹ đồng thời là chuyên gia về vaccine ở Malawi – nơi mới chỉ có 2% dân số được tiêm chủng vaccine - chia sẻ.
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh trong năm 2020, COVAX lại thiếu nguồn kinh phí, khiến cơ chế này không thể cạnh tranh được với các nước giàu trong việc đạt được các hợp đồng mua vaccine. Gần đây, Mỹ, EU và Ấn Độ đã cấm xuất khẩu một số mặt hàng liên quan tới vaccine, khiến nhiều khu vực khác không thể tự sản xuất vaccine vì phụ thuộc nguồn nguyên liệu.
Sau đó, các nước phương Tây bắt đầu hứa hẹn tài trợ vaccine cho các nước đang phát triển – 60 triệu liều AstraZeneca từ Mỹ, 1 triệu liều AstraZeneca từ Thụy Điển. Tuy nhiên, những liều vaccine tài trợ này vẫn chỉ như muối bỏ biển, và trong một số trường hợp được lên kế hoạch ngẫu nhiên, khiến các nước nhận không kịp thời gian lên kế hoạch quản lý.
Trong khi đó, các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng muốn bán vaccine cho những nước giàu.
Pfizer đã thu về 3,5 tỷ USD từ việc bán vaccine trong 3 tháng đầu năm 2021, trong khi hãng này chỉ cam kết với COVAX chưa đến 2% số liều trong năm nay. Moderna, kỳ vọng doanh thu vaccine 18 tỷ USD vào năm 2021, cũng chỉ mới đồng ý cung cấp vaccine cho COVAX trong tuần này, mặc dù đã nhận khoản đầu tư sớm từ quỹ COVAX từ tháng 1/2021.
Dù vậy, vấn đề không chỉ là ở nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19, mà còn liên quan tới khâu hậu cần và sự do dự tiêm vaccine ở các nước.
CARE, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu ước tính, cứ mỗi 1 USD chi cho các liều vaccine thì cần 5 USD khác để đảm bảo nó có thể được vận chuyển từ các sân bay đến tay người dân. Nhiều nước không đủ ngân sách chi cho đội ngũ y tế cũng như việc huấn luyện về tiêm chủng, khiến nhiều liều vaccine dù đã được bàn giao những vẫn phải nằm trong các nhà kho trong khi thời hạn sử dụng sắp hết.
Khi nhà sản xuất vaccine hàng đầu cũng phải lo cho mình trước tiên
Chủ nghĩa dân tộc vaccine và lợi nhuận doanh nghiệp cũng chỉ là một phần của câu chuyện. Còn có một khó khăn khác trong việc đẩy mạnh sản xuất vaccine trên toàn cầu.
Hiện chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu sức ép phải đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine để khuyến khích sản xuất rộng rãi hơn.
Việc triển khai sản xuất tại địa phương có thể xoa dịu lo ngại về vaccine do nước ngoài sản xuất.
“Điểm mấu chốt là có thể điều chế và sản xuất vaccine ở châu Phi, vì điều đó sẽ tạo sự tin tưởng ở người dân. Họ sẽ biết đó là vaccine do chúng tôi sản xuất và được sản xuất cho chính chúng tôi”, Tổng thống Congo Félix Tshisekedi nói.
Đối với COVAX, việc phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp từ Ấn Độ là một cái giá khá đắt. Tháng 1/2021, cơ chế này dự báo sẽ có 235 triệu liều vào tháng 4 và 325 triệu liều vào tháng 5 và tiến tới mốc 2 tỷ liều trong năm nay – đủ để tiêm chủng cho 20% người dân ở các nước được nhận.
Nhưng đến tháng 3, các con số dự báo đã bị giảm khoảng 30%. Tính đến ngày 4/5, COVAX đã chuyển đi 54 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, chưa đến 25% mục tiêu ban đầu đề ra cho đến tháng 4.
Trong khi rất nhiều nước đang phải tranh giành những liều vaccine ngừa Covid-19, thì cũng có những nước phải đau đầu về việc sử dụng số lượng vaccine ít ỏi mà họ có. Vấn đề này đặc biệt chính xác ở châu Phi, nơi mà gần 20 nước mới chỉ sử dụng chưa đến một nửa số vaccine họ có, theo số liệu của CARE.
Cộng hòa Dân chủ Congo đã để không 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca từ COVAX suốt gần 2 tháng vì những lo ngại an toàn ở châu Âu. Từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu tháng 4 vừa qua, chỉ có 1.888 người tiêm vaccine, buộc nước này phải gửi phần lớn số liều hiện có cho các nước lân cận tận dụng trước khi hết hạn.
Ivory Coast nhận 504.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX cuối tháng 2/2021, nhưng tới nay mới chỉ sử dụng 155.000 liều.
Malawi cũng đang lên kế hoạch hủy 16.000 liều vaccine được chuyển đến nước này do sắp hết hạn.
Những cảnh báo về những tác dụng phụ hiếm gặp trên các phương tiện truyền thông phương Tây đã khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao loại vaccine mà nhiều nước châu Âu đã tạm thời dừng sử dụng lại được chuyển tới nước này. Lo ngại tương tự cũng xuất hiện ở các nước châu Phi khác.
Sự hoài nghi đối với vaccine chỉ là một phần lý do. Một nguyên nhân khác là vì chính phủ đã không tích cực trong việc xây dựng lòng tin của người dân ngay từ đầu. Chiến dịch tuyên truyền cộng đồng tại Ivory Coast mới chỉ bắt đầu từ đầu tuần này, hơn 2 tháng sau khi những liều vaccine được đưa tới đây.
Theo Freddy Nkosi, Giám đốc tổ chức y tế phi lợi nhuận VillageReach tại CHDC Congo, nếu có nguồn cung dồi dào, niềm tin vào vaccine ngừa Covid-19 của người dân sẽ gia tăng. Tuy nhiên, tình hình sẽ khó tiến triển nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng ở Ấn Độ.
Giám đốc Viện Huyết thanh Ấn Độ mới đây đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phải tiếp tục đảm bảo nguồn cung cấp cho Ấn Độ chứ không phải bất cứ nơi nào khác”./.