Đại dịch Covid-19 và vấn đề bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái ở Việt Nam

Đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, tới các quốc gia trên thế giới, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Do đó, Ngày Dân số Thế giới (11-7) năm nay được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lấy chủ đề là: “Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”. Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19 và có những quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Từ chuyến bay của những bà bầu

Chuyến bay mang số hiệu VN571 ngày 29-5 mang tới nhiều cảm xúc. Đây là chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước tránh dịch Covid-19. Trong chuyến bay này có 243 phụ nữ đang mang thai. Họ đều là những người mẹ, người vợ cùng chồng làm ăn nơi xứ người. Lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch, họ xin về nước sinh nở để bảo đảm "mẹ tròn con vuông", ổn định, an toàn.

 Cô đỡ thôn bản hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc con. Ảnh: DƯƠNG HẢI

Cô đỡ thôn bản hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc con. Ảnh: DƯƠNG HẢI

Trong đại dịch Covid-19, khi phải bắt buộc thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa và kiểm soát dịch cũng là lúc thấy rõ hơn sự khác biệt về vị trí, vai trò, quyền của nữ giới và nam giới trong gia đình và xã hội. Phụ nữ và trẻ em vẫn là nhóm yếu thế dễ bị tổn thương nhất cần được bảo vệ, đặc biệt, khi tình hình kinh tế khó khăn, tình trạng bạo lực, xâm hại trong cộng đồng và trong gia đình có nguy cơ gia tăng. Tại lễ mít tinh ra quân Ngày Dân số Thế giới (11-7) ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Bộ Y tế thông tin, trong đại dịch Covid-19, phụ nữ chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước virus cao hơn. Các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản khó được duy trì, gây gia tăng tình trạng bạo lực giới.

Nghiên cứu gần đây của UNFPA nhấn mạnh rằng, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp-trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng, tránh thai hiện đại. Hệ quả sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới, 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020-2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được. Không chỉ vậy, tỷ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn và phải chịu ảnh hưởng về kinh tế nặng nề hơn từ đại dịch Covid-19. Gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn. Đại dịch tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Quan tâm, ưu tiên hàng đầu đối với phụ nữ, trẻ em

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, Việt Nam đã khống chế thành công dịch Covid-19, không có ca tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm này… Đây là tiền đề quan trọng để nước ta dần hồi phục, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội. Trong những tháng qua, Việt Nam đã đón hàng nghìn công dân trở về từ nhiều nước. Các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước, thể hiện sự nhân văn của Nhà nước, xã hội ta; trong đó, phụ nữ và trẻ em là ưu tiên hàng đầu.

Khi nhận được tin sẽ có tới 243 phụ nữ mang thai về nước trên chuyến bay VN571, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương vào cuộc, cán bộ, nhân viên y tế "quên ăn, quên ngủ" đi khảo sát cơ sở y tế, chuẩn bị nhân lực, vật lực để chờ đón. Bộ Y tế có công văn yêu cầu tỉnh Quảng Nam ưu tiên, huy động nguồn nhân lực của địa phương bảo đảm việc chăm sóc hiệu quả đối với các phụ nữ mang thai tại khu cách ly cũng như các sản phụ có thể chuyển dạ tại bệnh viện. Ngay sau đó, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã cử ngay đoàn cán bộ sản khoa, sơ sinh tới tỉnh Quảng Nam hỗ trợ sàng lọc, phân loại, hướng dẫn theo dõi, chăm sóc những phụ nữ có thai trong khu cách ly, các sản phụ chuyển dạ. Các bác sĩ trong lĩnh vực sản nhi còn có những chia sẻ hữu ích trong việc chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần cho các sản phụ.

Đối với trẻ em, các bộ, ngành cũng luôn thể hiện sự quan tâm. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị trung tâm y tế dự phòng/kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố tạm dừng tiêm chủng thường xuyên 15 ngày kể từ ngày 1-4 (ngoại trừ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh tại các cơ sở y tế có phòng sinh) trên toàn quốc. Nhưng ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã lập tức triển khai tiêm vaccine trở lại để bảo đảm mũi tiêm chủng cho trẻ em.

Thực tế tại Việt Nam đã chứng minh rõ ràng cho nhận định của bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: "Yêu thương đối với phụ nữ và trẻ em cần phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người". Giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta đã cho thế giới thấy tuyên bố "không để ai bị bỏ lại phía sau" tại Việt Nam là hoàn toàn hiện thực, bảo đảm tất cả mọi người đều là một phần quan trọng của quá trình phát triển.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/dai-dich-covid-19-va-van-de-bao-ve-phu-nu-tre-em-gai-o-viet-nam-626659