Đại dịch cùng sức ép Trung Quốc đẩy Mỹ - Đài xích lại gần nhau
Căng thẳng diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh đang thúc đẩy Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với hòn đảo này trong thời gian tới.
Hoa Kỳ đã tận dụng đại dịch Covid-19 để củng cố mối quan hệ với Đài Loan bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc đại lục.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ xuyên eo biển vốn đã không bằng phẳng, trong đó vấn đề đưa người Đài Loan ở Vũ Hán quay lại hòn đảo là một trong những tranh chấp mới nhất.
Vào thứ Sáu tuần trước, cơ quan đại diện của Mỹ tại Đài Loan đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác với Đài Loan trong nhiều năm tới – động thái nhiều nhà quan sát giải thích là để nhấn mạnh vào mối quan hệ gần gũi hơn này.
Hỗ trợ lớn về ngoại giao và quân sự
Mặc dù Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này, Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 cho phép Mỹ duy trì các mối quan hệ kinh tế và quan trọng khác đồng thời cam kết cung cấp vũ khí để giúp Đài Loan phòng vệ.
Trong một bài đăng trên Facebook vào thứ Sáu đánh dấu kỷ niệm 41 năm Đạo luật trên ra đời, Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc cho biết: Ngày 10 tháng 4 là ngày kỷ niệm ký kết TRA. Đạo luật này là nền tảng của mối quan hệ đối tác Mỹ - Đài đang diễn ra và phát triển.
Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã được ký kết sau khi Washington chuyển sự công nhận ngoại giao chính thức sang Bắc Kinh. Trung Quốc coi Đài Loan là 1 phần lãnh thổ của mình và sẽ đưa hòn đảo này trở về với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh cũng đã cảnh báo Washington không tham gia bất kỳ hình thức quan hệ nào với Đài Loan.
Tuy nhiên, những cảnh báo này phần lớn đã bị bỏ qua kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2017 và áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Ngoài việc phê duyệt hơn 12,4 tỷ USD bán vũ khí cho Đài Loan kể từ năm 2017, ông đã ký thành luật Đạo luật Đi lại tới Đài Loan, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng và các luật khác để tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi và quân sự cấp cao.
Đại dịch Covid-19 đã gia tăng thêm một chiều hướng mới trong căng thẳng Mỹ-Trung, vốn đã leo thang trong cuộc chiến thương mại và công nghệ cũng như sự mở rộng ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Vũ Hán, chính quyền Trump đã tăng cường hợp tác với Đài Loan để chống lại dịch bệnh, đối phó với những thông tin sai lệch, được cho là có liên quan tới lực lượng mạng của Bắc Kinh, và thảo luận về quan hệ đối tác an ninh của họ .
Về mặt quân sự, Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu và tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan kể từ khi quân đội Trung Quốc đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự vào tháng 2 bằng cách đưa máy bay chiến đấu và điều tàu chiến đến các khu vực gần Đài Loan.
Hôm thứ Bảy tuần trước, cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết một tàu khu trục Mỹ, USS Barry và hai máy bay quân sự trinh sát đã hoạt động gần Đài Loan sau khi một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc được phát hiện ở phía tây nam đảo này vào sáng thứ Sáu và đi vào kênh Bashi – nối giữa Đài Loan và Philippines.
Su Tzu-yun, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan - một cơ quan cố vấn của chính phủ hòn đảo - cho biết các hoạt động của Mỹ là nhằm nói với PLA rằng Washington đang theo dõi các hoạt động của họ và giúp tăng cường phòng thủ Đài Loan.
Định hình bằng hàng loạt đạo luật
Cuối tháng trước, trong một động thái thúc đẩy đáng kể vị thế cho Đài Loan, ông Trump đã ký Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế cho Đài Loan (TAIPEI) năm 2019 thành luật trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ Quốc hội và thậm chí cả con trai ông về việc công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao.
Đạo luật này cho phép chính phủ Hoa Kỳ tăng cường cam kết kinh tế, ngoại giao và an ninh với các quốc gia nâng cấp quan hệ với Đài Loan hoặc giảm bớt cam kết với các quốc gia thực hiện các hành động làm suy yếu nghiêm trọng Đài Loan.
Đạo luật này cũng kêu gọi Washington hỗ trợ Đài Loan có tư cách thành viên hoặc tư cách quan sát viên trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Bắc Kinh, đã đình chỉ trao đổi chính thức với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo hòn đảo vào năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc một Trung Quốc, đã phản đối gay gắt Đạo luật TAIPEI và mọi động thái của Mỹ nhằm củng cố quan hệ với hòn đảo này.
Lai I-chung, từ cơ quan tham vấn cho Đài Loan, cho biết chính quyền hòn đảo nên nắm bắt cơ hội để thúc đẩy việc gia nhập các cơ quan quốc tế ngay bây giờ khi những nỗ lực của Đài Loan trong việc ngăn chặn đại dịch đã giành được sự công nhận rộng rãi từ thế giới.
Mặc dù tiếp xúc với Trung Quốc đại lục, họ đã hạn chế được số trường hợp mắc Covid-19 xuống mức thấp, ở con số hàng trăm và chỉ có sáu trường hợp tử vong được báo cáo vào thứ Bảy.
Trong nỗ lực tăng cường sự nhìn nhận từ quốc tế, hòn đảo này cũng đã đề nghị tặng hơn 10 triệu khẩu trang và các thiết bị y tế khác cho Mỹ và châu Âu, điều giành được sự đánh giá cao từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.
Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Đài Bắc Đài Loan, cho biết Washington đang sử dụng mối quan hệ sâu hơn với Đài Loan như một phần trong chiến lược của mình để chống lại Bắc Kinh. Hoa Kỳ không muốn thấy Đài Loan tiếp tục mất các đồng minh của mình, ông Huang nói và cho biết thêm đại dịch này tạo cho Hoa Kỳ cơ hội tốt nhất để thúc đẩy Đài Loan gia nhập các tổ chức toàn cầu.
Tuy nhiên, với diễn biến như vậy, mối quan hệ xuyên eo biển dự kiến sẽ xấu đi hơn nữa, đặc biệt là sau khi hai bên đã bất đồng về các biện pháp ngăn chặn đơn phương trong việc xử lý đại dịch và nhiều mâu thuẫn khác, ông nói.
Đài Loan đã cấm người đại lục đến hòn đảo này từ tháng 2 trong khi không nhất trí về các phương pháp mà Bắc Kinh đề xuất đưa người Đài Loan bị mắc kẹt ở Vũ Hán quay lại hòn đảo. Việc Đài Loan tiếp tục sử dụng thuật ngữ Viêm phổi Vũ Hán khi đề cập đến Covid-19 cũng đã gây khó chịu cho đại lục.