Đại dịch đi qua đã để lại những bài học đắt giá về quá tải hạ tầng đô thị
Những bài học đắt giá về quá tải hạ tầng, quy hoạch kiến trúc,...đã thể hiện rõ nét sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 và cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc quản lý, phát triển đô thị.
Tại Hội thảo trực tuyến “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu” diễn ra vào ngày 8/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin, những năm qua quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Việc chính quyền sở tại buông lỏng, yếu kém trong quản lý phát triển đô thị đã để lại nhiều bài học đắt giá trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua
Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40% với 870 đô thị phân bố tương đối đồng đều trên cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển đô thị tại Việt Nam còn một số hạn chế như: số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức.
Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn...
Những mặt tiêu cực của quá trình đô thị hóa đã thể hiện rõ nét trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm cao. Đơn cử như tại Hà Nội, Thành phố đã phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong tháng 8/2021, quận Đống Đa (TP.Hà Nội) đã phải thành lập vùng cách ly y tế tại các vùng và khu vực có dịch thuộc các phường Văn Chương, Hàng Bột, Thổ Quan, Khâm Thiên và Văn Miếu khi trở thành điểm nóng khi xuất hiện nhiều ca mắc mới COVID-19.
Bên cạnh nguyên nhân do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh thì không thể không kể tới hạ tầng tại quận Đống Đa đang quá tải, mật độ cư dân đông, công tác quản lý quy hoạch xây dựng còn bộc lộ những hạn chế.
Vụ cháy cháy nghiêm trọng xảy ra tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột (quận Đống Đa) để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến 4 người tử vong
Khu vực chợ tạm ven hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa)
Không chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát mà những hệ lụy trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị chưa đồng bộ còn thể hiện trong những sự cố cháy nổ xảy ra đã gây thiệt hại lớn về người và của.
Điển hình vào ngày 4/4/2021 đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột (quận Đống Đa) khiến 4 người tử vong.
Qua điều tra sơ bộ, lực lượng chức năng quận Đống Đa xác định vụ cháy lan ra toàn bộ ngôi nhà. Đây là loại nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m nhưng nhà có một lối ra vào duy nhất là cửa chính.
Ghi nhận thực tế của PV tại khu vực hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) từ lâu đã tồn tại một khu chợ tạm hoạt động buôn bán xô bồ, mùi rác thải bốc lên nồng nặc gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dọc tuyến đường Đê La Thành, mặc dù diện tích nhỏ hẹp nhưng không ít những công trình xây dựng khủng đã mọc lên, hệ thống dây điện giăng chằng chịt và hoạt động buôn bán cũng hết sức xô bồ, huyên náo. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại khu vực ngõ 360 Xã Đàn khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.
Tình trạng thi công xây dựng ồ ạt, có dấu hiệu vi phạm ngõ 360 Xã Đàn đang khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch
Nhiều vi phạm trật tự đô thị xảy ra tại khu vực hồ Ba Mẫu thuộc địa bàn 2 phường Phương Liên và Trung Phụng suốt một thời gian dài khiến người dân vô cùng bức xúc
Xe cộ để tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường và ngay lối vào trụ sở UBND phường Trung Phụng
Đặc biệt tại khu vực hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) tình trạng quá tải hạ tầng được thể hiện rõ nét khi xe cộ để tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường, lối vào những con ngõ vô cùng lộn xộn, mất trật tự.
Không những vậy, hiện tại nhiều công trình đang được gấp rút thi công xây dựng xung quanh khu vực hồ Ba Mẫu. Chủ đầu tư thản nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để tập kết sắt thép, cát sỏi, gạch... gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Nhiều công trình siêu mỏng, siêu méo thậm chí chỉ quây tôn tạm bợ, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng bắt đầu mọc lên địa bàn phường Trung Phụng.
Không khí lúc nào cũng trong tình trạng ngột ngạt, bụi bặm khiến người dân hết sức lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình mỗi khi đi ra hồ hóng mát hay tập thể dục.
Trước đó ngày 1/3/2021, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo thành phố, các sở ngành đã có buổi làm việc với Quận ủy Đống Đa. Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, hiện dân số tại quận Đống Đa là 37 vạn trong khi theo quy hoạch chỉ 26 vạn.
Ông Trúc Anh đề nghị cần phải quy hoạch lại các hệ thống công sở, các khu liên cơ ở đâu. Các chỉ giới đường đỏ cũng phải làm dứt điểm vì đó là bộ mặt, đập vào mắt người dân đầu tiên về trình độ quản lý đô thị của chúng ta đến đâu.
Có thể nói những mặt yếu của các đô thị lớn như cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhất là bài học đắt giá cho quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị đã được thể hiện rõ nét trong những đợt bùng phát dịch COVID-19. Trong đó không thể không nói đến trách nhiệm quản lý của chính quyền các phường sở tại...
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.