'Đại dịch' khác ở giới trẻ

Trong khi đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19 thì Mỹ vẫn phải đối mặt với 'đại dịch' khác, đó là tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (e-cigarette hay vape) rất cao ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Báo cáo của một khảo sát do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa công bố vào đầu tháng 9 này cho biết, khoảng 3,6 triệu học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) tại Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử trong năm nay. Thậm chí, rất nhiều trong số đó thú nhận sử dụng thuốc lá điện tử hằng ngày. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 16-1 đến 16-3-2020 đối với 20.000 học sinh. CDC Mỹ ngừng cuộc khảo sát trước khi đa số các khu vực tại Mỹ thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống virus SARS-CoV-2 lây lan. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc ở học sinh THCS là 1/20 và ở học sinh THPT là 1/5. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với thống kê của CDC Mỹ vào năm ngoái, nhưng Giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield lưu ý rằng việc thanh thiếu niên Mỹ hút thuốc lá điện tử vẫn không khác gì một “đại dịch” nguy hiểm.

Biển báo cấm thuốc lá thông thường lẫn thuốc lá điện tử ở Chicago (Mỹ) - Ảnh: AP.

Biển báo cấm thuốc lá thông thường lẫn thuốc lá điện tử ở Chicago (Mỹ) - Ảnh: AP.

Thuốc lá điện tử xuất hiện trên thị trường Mỹ từ năm 2007 và trở thành sản phẩm thuốc lá được ưa chuộng nhất của thanh thiếu niên nước này từ năm 2014. Tuy nhiên, báo cáo của CDC Mỹ nhấn mạnh, mặt trái của thuốc lá điện tử chỉ được dư luận xứ sở cờ hoa quan tâm khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ thống kê rằng hơn 2.800 trường hợp nhập viện và 68 ca tử vong, trong đó có nhiều nạn nhân vị thành niên, được ghi nhận tại Mỹ do các tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử tính đến thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Vị thành niên (Mỹ) vào tháng 8-2020 còn dẫn chứng rằng, thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc Covid-19 gấp 5 lần và những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá điếu thông thường có nguy cơ nhiễm cao hơn tới 7 lần. Đây là lời cảnh tỉnh về việc bùng nổ tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến tử vong.

CDC Mỹ xác định “thủ phạm chính” gây bệnh phổi là vitamin E acetate được dùng để pha trộn vào các loại thuốc lá điện tử có chứa hợp chất kích thích thần kinh THC chiết xuất từ cây gai dầu. Để giảm số người hút thuốc lá điện tử, chính quyền Washington đã cấm đa số các loại thuốc lá điện tử có hương vị. Tháng 12-2019, Quốc hội Mỹ quyết định nâng độ tuổi tối thiểu hút thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, từ 18 lên 21 tuổi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cũng cảnh báo hãng sản xuất thuốc lá điện tử phải chấm dứt quảng cáo tuyên truyền các sản phẩm của hãng ít độc hại hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Nhiều bang tại Mỹ như: Washington, Michigan, New York, Massachusetts... đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử.

Câu chuyện về thuốc lá điện tử không chỉ gói gọn trong nước Mỹ. Con số “hàng triệu” học sinh ở Mỹ sử dụng loại thuốc lá này có thể cũng phản ánh số lượng tương tự ở những quốc gia khác. Với thiết kế có vẻ sành điệu, sang chảnh, đa dạng về hương vị kèm theo những lời quảng cáo có cánh về tính tiện lợi và độ an toàn, thuốc lá điện tử đang trở thành trào lưu như mốt thời thượng của không ít giới trẻ. Tuy nhiên, ẩn chứa sau hình ảnh “thế hệ mới” này là những tác hại khôn lường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, thuốc lá điện tử cũng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều hóa chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Khói thuốc gây hại không chỉ cho người hút mà còn cho cả những người xung quanh do hút thuốc thụ động. Chiến dịch toàn cầu Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm 2020 do WHO phát động đã chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine-là chất gây nghiện cao và là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ung thư. SEATCA nhận định, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh, trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế, mức độ tác động đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Cơ quan chức năng các nước, mà trước hết là phụ huynh và nhà trường, cần có hành động kịp thời để giúp con em mình nói không với thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, cũng như các sản phẩm gây nghiện, qua đó góp xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

KHÁNH NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dai-dich-khac-o-gioi-tre-635025