Đại dịch làm chậm kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc
Tuy không có binh sĩ nào nhiễm Covid-19, nhưng đại dịch đã làm chậm tốc độ và kế hoạch xây dựng quân đội Trung Quốc thành lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới.
Quân đội Trung Quốc đã không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lực lượng vũ trang nước này không có ca nhiễm Covid-19 nào. Trong khi đó, quân đội Mỹ và Nga với quân số lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đã báo cáo hơn 4.000 ca và 1.000 ca nhiễm tương ứng, South China Morning Post cho biết.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã làm chậm kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để biến quân đội Trung Quốc (PLA) thành lực lượng chiến đấu có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên toàn cầu.
Kế hoạch huấn luyện bị ảnh hưởng
Tân Hoa xã cho biết mối lo ngại về nguy cơ lây nhiễm đã khiến chương trình tuyển tân binh vào mùa xuân bị dời lại vào tháng 8 tới.
Bên cạnh đó, PLA buộc phải sắp xếp lại cách huấn luyện binh sĩ, chuyển sang các hình thức nghiên cứu lý thuyết và chiến thuật quân sự trên lớp, thay cho huấn luyện thực địa ngoài thao trường.
“PLA có lượng tân binh nhập ngũ hàng năm lớn. Việc tuyển quân và huấn luyện bị muộn do đại dịch tác động tiêu cực đến hiệu suất chiến đấu”, Adam Ni, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Canberra, Australia, nói.
Hoạt động của hải quân, lực lượng đặc nhiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng, theo Charlie Lyons Jones, một nhà nghiên cứu từ chương trình quốc phòng và chiến lược, Viện chính sách chiến lược Australia, cho biết.
“Hải quân Trung Quốc được cho là thiếu các biện pháp kiểm dịch hiệu quả cao, khó có thể tránh được đợt bùng phát trên các tàu chiến của họ. Do đó, ngay cả khi hải quân Trung Quốc không có nhân sự bị nhiễm Covid-19, năng lực hoạt động hiệu quả trong thời kỳ căng thẳng cao hơn bình thường vẫn còn khá bấp bênh”, ông Jones nói.
Nghi vấn về số ca nhiễm
Ông Jones cũng đặt nghi vấn về những tuyên bố của Bắc Kinh rằng quân đội không có ca nhiễm Covid-19.
“PLA đóng vai trò quan trọng trong phản ứng của Trung Quốc đối với sự bùng phát của virus corona ở Vũ Hán. Ý tưởng rằng không ai trong số những người làm việc ở tiền tuyến Vũ Hán bị lây nhiễm Covid-19 không khớp với những gì từng được ghi nhận ở các nước (khác) trên thế giới”, ông Jones nói thêm.
Hơn 4.000 quân y đã được gửi đến Vũ Hán để góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bao gồm xây dựng bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn. Những nỗ lực của họ đã được nêu trong bộ phim tài liệu chiếu trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng quân đội Trung Quốc bị lây nhiễm Covid-19.
Vào ngày 17/2, báo Quân giải phóng nhân dân đưa tin một số binh sĩ đã được đưa đi cách ly, trong khi Yu Qiusong, thuyền trưởng tàu hộ vệ tên lửa Type-054A, số hiệu 549 Thường Châu, tự cô lập trong nhà khách quân đội. Báo cáo tin tức không đề cập đến lý do tại sao họ bị cách ly.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng dù con số chính thức có chính xác hay không, quân đội Trung Quốc có thể đã phản ứng nhanh và kinh nghiệm trong quá khứ đối với dịch Sars mang lại cho họ lợi thế trong việc đối phó Covid-19.
Zhou Chenming, nhà quan sát quân sự ở Bắc Kinh, cho biết một trong những lý do khiến virus corona không lây lan trong quân đội so với trong dân là tốc độ phản ứng của họ.
Bên cạnh đó, PLA có hệ thống hậu cần riêng, có thể giúp giảm thiểu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, qua đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo Tân Hoa xã, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của PLA đã lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp và sắp xếp huy động lực lượng vào ngày 20/1, cùng ngày Chủ tịch Tập ra chỉ thị cho người dân rằng virus phải được kiên quyết ngăn chặn.
Trong khi đó, Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng thuộc Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho rằng quân đội Trung Quốc đã hưởng lợi từ vai trò quốc tế ít hơn so với Mỹ.
“Quân đội Mỹ là lực lượng toàn cầu, trong khi quân đội Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở đại lục. Do đó, Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan", ông nói.
"Quân đội Mỹ phải thực hiện một loạt nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích của họ và các đồng minh, đối tác. Điều này làm phức tạp các nỗ lực của quân đội Mỹ trong việc kiểm soát sự lây lan”, nhà phân tích Heath nói.